Một trong những người đầu tiên đưa bột màu thành chất liệu nghệ thuật, là nghệ sỹ đầu tiên Nam tiến, là người giữ kỷ lục về tổ chức triển lãm nhiều nhất…
Đó là những phác họa mà giới mỹ thuật thường nhắc đến khi trò chuyện về cố họa sỹ Văn Giáo, một con người bộc trực, thẳng thắn và có niềm đam mê bất tận với nghệ thuật.
Cháy bỏng đam mê
“Vẽ, vẽ và… vẽ” là ba từ mà họa sỹ Văn Đức, con trai cố họa sỹ Văn Giáo hình dung khi nhớ về cha mình. Họa sỹ Văn Đức kể, cha anh là một người đam mê vẽ đến cháy bỏng. Chỉ cần có sức khỏe, có điều kiện là ông lại rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc.
Ông đã đặt chân trên hầu hết các vùng đất, từ miền Bắc tới miền Trung, miền Nam, từ đồng bằng tới trung du, miền núi và cả những vùng hải đảo xa xôi… “Thời đó, phương tiện đi lại còn vô cùng khó khăn, nhưng dường như những khó khăn đó không lung lạc được bước chân ông, bởi ông đã đam mê nghệ thuật đến cháy bỏng, ông luôn muốn ghi lại những cảnh đẹp về thiên nhiên, những vẻ đẹp của cuộc sống, của con người Việt Nam, nên ông luôn tìm đến những nơi đầu sóng ngọn gió để sáng tác. Có những chuyến ông đi công tác hàng năm trời mới trở về nhà, có khi vì lỡ tàu xe không kịp về quê, ông ăn Tết luôn với đồng bào vùng cao”, họa sỹ Văn Đức nhớ lại.
Bức tranh chân dung họa sỹ Văn Giáo.
Trong nhật ký của mình, họa sỹ Văn Giáo đã từng viết: Tôi gạch hai từ “không thể” ra khỏi từ điển của cuộc đời tôi. Theo lời kể của họa sỹ Văn Đức, sinh thời, cha anh luôn cố gắng hoàn thành những công việc, những mục tiêu mà ông đặt ra. “Kể cả khi bị đau ốm, chỉ cần gắng gượng được, là bố tôi lại ngồi dậy cầm cọ vẽ. Và chúng tôi, đã học được từ ông nghị lực phi thường, tinh thần vượt khó để vươn lên trong cuộc sống sau này”, họa sỹ Văn Đức chia sẻ.
Họa sỹ Văn Giáo theo đuổi chất liệu bột màu từ thời học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trải dài hơn 60 năm, chất liệu bột màu đã thấm đẫm trong con người ông. Cho đến nay, giới mỹ thuật khi xem tranh của họa sỹ Văn Giáo đều có chung nhận xét, là ông đã xử lý bột màu một cách tài tình. Người xem dễ cảm nhận được những tình cảm chân thành mà ông gửi gắm trong mỗi bức tranh. Đứng trước một sự việc, một cảnh đẹp, cảm xúc của ông luôn chân thành, phản ánh không khí của từng thời kỳ, từng giai đoạn. Mỗi tác phẩm của ông là một lời kể chuyện tâm tình về quê hương, đất nước, là những khắc họa các dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến khốc liệt dành độc lập của dân tộc Việt Nam. Từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, rồi đến công cuộc xây dựng đất nước… Trong đó, có nhiều tác phẩm của ông đã định danh trong lòng công chúng như: “Tìm gặp người thân”, “Sương mù thảo nguyên”, “Bác viết Tuyên ngôn độc lập”, “Đền voi phục”, “Văn miếu”…
Người đi tiên phong
Họa sỹ Vương Trọng Đức - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Nói đến họa sỹ Văn Giáo, là nói đến chất liệu bột màu. Họa sỹ Văn Giáo nổi tiếng nhất là tranh bột màu, và ông là một trong những họa sỹ đưa bột màu chính thức trở thành một chất liệu nghệ thuật chính thức trong tranh Việt Nam.
Tác phẩm “Đêm nay Bác không ngủ”.
Theo họa sỹ Vương Trọng Đức, trước đây, tranh bột màu không được coi là chất liệu của hội họa. Ở nước ngoài, có màu vẽ tranh cổ động, màu nước, dung môi nước và sơn dầu, chỉ ở Việt Nam mới có tranh bột màu. Bởi thực chất, bột màu không phải là màu vẽ, mà là màu dùng để quét… ve tường, là bột màu dùng cho xây dựng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn, các họa sỹ Việt Nam đã lấy bột màu trộn với keo da trâu hoặc một chất liệu gôm đặc thù khác để lấy màu vẽ phác thảo, hoặc cho sinh viên tập vẽ. Họa sỹ Văn Giáo đã đưa bột màu trở thành chất liệu chính thức trong hội họa Việt Nam.
Họa sỹ Văn Giáo cũng là một trong những người vẽ tranh về Bác Hồ nhiều nhất. Ông là một trong những người đầu tiên được trực tiếp vào Bắc bộ phủ để vẽ Bác. Sau này, ông đã có hàng trăm bức tranh về Bác Hồ ở mọi lúc, mọi nơi. Ông vẽ Bác trong khi làm việc, khi Bác nghỉ ngơi, khi lao động…
Giới mỹ thuật nước nhà lại đánh giá cao nhất ở ông mảng đề tài về phong cảnh. Tranh phong cảnh của họa sỹ Văn Giá là những bức tranh dung dị, nhẹ nhàng, thư thái và đầy cảm xúc. Đó là bức tranh về phố cổ Hà Nội, về Chùa Một Cột, Văn Miếu… đặc biệt là seri về nhà sàn và ao cá Bác Hồ.
Tháng 10/1946, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, họa sỹ Văn Giáo là người đầu tiên trong giới văn nghệ sỹ ngoài Bắc tiến hành Nam tiến vào Tuy Hòa - Phú Yên (nay là tỉnh Khánh Hòa). Từ đó đến cuối năm 1949, ông đã đi suốt chiều dài các tỉnh miền Trung, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Định Phú Yên, Tuy Hòa… và ông vẽ triền miên trong niềm say mê bất tận.
Tháng 9/1949, ông ra Việt Bắc. Với cây bút chì, hộp màu nước, màu bột, ông lại tiếp tục với mạch sáng tác và lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Ông đã tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Đồng bằng, trung du năm 1952 - 1953 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông ghi lại thời khắc lịch sử, khi Việt Nam giành quyền tự chủ từ thực dân Pháp. Sau Hiệp định Giơnevơ, chia cắt 2 miền Nam Bắc, ông lại lặn lội vào Vĩnh Linh, Cửa Tùng, đến tận cầu Hiền Lương để vẽ. Năm 1973, ông lao vào rừng Trường Sơn, nơi ác liệt nhất chỉ bởi say nghề.
Từ tinh thần phục vụ, vẽ đến đâu, được bao nhiêu và không lệ thuộc vào địa điểm trong nhà hay ngoài trời, nên hễ có tác phẩm là ông lại tổ chức trưng bày, triển lãm cho công chúng được xem. Chính vì vậy, ông đã có tới hơn 100 lần trưng bày lớn nhỏ khác nhau, trở thành người giữ kỷ lục tổ chức triển lãm tranh nhiều nhất trong giới tạo hình Việt Nam.
Cho đến nay, giới mỹ thuật luôn nhắc đến họa sỹ Văn Giáo với sự kính trọng, nể phục về một họa sỹ luôn đi tiên phong và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, 20 năm ngày mất của họa sỹ Văn Giáo, gia đình họa sỹ đã dày công tìm kiếm, sưu tầm các tác phẩm của ông và xuất bản tuyển tập tranh hoàn chỉnh ra mắt công chúng, đồng thời, tổ chức triển lãm “Văn Giáo trên những nẻo đường”, như một cuộc “tổng kiểm kê” gia tài nghệ thuật, và là nén tâm nhang tưởng nhớ về người họa sỹ dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật. |
Lan Lộc
Nguồn:http://baotintuc.vn/van-hoa/hoa-sy-van-giao-nguoi-di-tien-phong-20161012211642507.htm