NHỮNG CÂU CHUYỆN

BÁNH MỲ CAY

BÁNH MỲ CAY

 

Đặng Vân Phúc

Hải phòng, 17 tháng 12 năm 2023

 

Hồi đấy hàng hóa khan hiếm, ngoài hàng từ Đông âu do lao động gửi về, hàng miền Nam thời Mỹ Ngụy gửi ra đã bớt, bắt đầu rất nhiều hàng Bãi.” Chị vừa làm vừa kể chuyện, rất nhiều chuyện, chuyện không đầu, không đuôi nhưng như dòng chảy của thời gian, mọi thứ in hằn trên từng nét trong tâm trí, trên khuôn mặt, trên bàn tay thoăn thoắt của chị.

Một địa chỉ Bánh mỳ Cay ở phố Hàng Kênh

Bố chị bộ đội Hải quân chuyển ngành ra ngoài, được phân về đội tàu Viễn dương Vosco. Chị nhớ như in, những chuyến đi biển của bố về, ban đầu là những món quà nho nhỏ, rồi nhiều dần hàng hóa, rồi những lô hàng lớn được mang về. “Hàng cáy đấy.” Chị kể, cách gọi của dân Hải phòng về các hàng hóa secondhand mà đội quân Viễn dương đi các nước mang về, hay còn gọi là “Hàng bãi.” Hàng từ Mỹ, Pháp, Nhật, đủ kiểu, nhưng hàng Nhật có lẽ nhiều và được chuộng nhất.

Chiết Chí Chương - Tương ớt bằng máy và đóng gói

Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ đi “doa” (xe đạp Peugeot). Anh rỗ đi “doa” không bằng anh già đi cup. Anh già đi cup không bằng anh cụt Vosco (thủy thủ Công ty vận tải biển Vosco). Anh cụt Vosco không bằng bà bô chợ sắt…”. Đấy là câu ví người ta hay nói đùa với nhau. Chị cười to khi đọc câu vè.

Vừa học xong phổ thông, nhà có bố đi tàu Viễn dương, mẹ buôn bán ở chợ Sắt, Huệ thực sự là con nhà khá giả ở Hải phòng này. Thành phố cảng, nơi giao thương hàng hóa cả nội địa và quốc tế, nơi đội tàu Viễn dương của Việt nam dần hình thành sau 20 năm và có những chuyến đi vòng quanh thế giới. Nơi tập kết hàng hóa viện trợ của các nước tới với đủ loại hàng hóa. Sự sầm uất của cảng và lượng hàng hóa đa dạng trong thời kỳ sau giải phóng thiếu thốn mọi mặt, khiến cho đủ hình thái xã hội diễn ra. Từ buôn lậu, ăn cắp, móc ngoặc, tham ô...

Xếp hàng dài chờ đến lượt mua bánh mỳ Cay

Cảng được quân cảnh bố trí bảo vệ song song các hoạt động, điển hình vụ năm 80 có chiến sĩ Đinh Trọng Lịch, bắt xe ăn cắp hàng chỉ vài bao phân đạm khiến lái xe manh động đâm, húc chết người và làm chiến sĩ Đinh Trọng Lịch rơi xuống thương nặng rồi mất ở viện. Có thể nói, là cái rốn hàng hóa, cũng là cái nơi tạo công ăn việc làm, là nơi tạo ra các con buôn, cũng như các tệ nạn xã hội thời bấy giờ.

Hùng là bạn học với Huệ, bố làm đầu bếp trong cảng, mẹ là công nhân, nhà nghèo, đông con nên rất vất vả. Hùng thường ra cảng khi tàu về, cùng đám thanh niên đi xách hàng ở cầu tàu. Mẹ Huệ là một trong những đầu nậu, trực ở điểm tập kết ở chợ Sắt, chuyên hàng điện tử. Trên tàu, tàu bố Huệ là một trong các tàu có hàng bãi mang lậu từ nước ngoài về, thế nên hai đứa gần như cùng bên nhau các tối đi xách hàng.

Bánh mỳ Cay luôn tấp nập người chờ mua

Giờ tàu về chẳng biết chắc lúc nào, cả đám phải ra sớm loanh quanh ngoài cảng, có hôm chờ 9 giờ tối, có hôm chờ 3 giờ sáng mới có tàu cập cảng và hàng được đưa vào bằng những thuyền nhỏ, ca nô. Mỗi đứa vác một thùng, cứ thế lặng lẽ trong đêm lầm lũi vác đi cả đoàn. Ra ngay bên ngoài là các xích lô, xe cải tiến, cả xe lam, xe tải lấy hàng đang chờ sẵn trong các ngóc ngách.

Cũng có hôm chờ cả đêm rồi vè không, vì tàu chưa về hoặc bị quân cảnh làm rát quá. Những đêm dài, bọn thanh niên túm tụm hút thuốc tán phét. Hùng và Huệ thường ra phía trụ neo tàu hóng gió và ngắm đèn biển. Lần nào đi Hùng cũng không quên mang theo một gói bánh mỳ, hai đứa vừa nói chuyện, ngắm biển đêm và ăn bánh mỳ chờ tàu hàng về.

Hải phòng chuẩn bị cho lễ Noel 2023

Nhà Huệ tuy khá giả, nhưng với khó khăn của cả nước, thì lương thực mỗi gia đình đều là vấn đề. Bố Hùng làm đầu bếp trong cảng, ông biết làm nhiều kiểu thức ăn, trong đó có bánh mỳ. Cũng chính có nó, nhà nghèo nhưng không thiếu thốn. “Này, sao bố Hùng lại làm cái bánh mỳ bé tẹo này nhỉ?” Một hôm, vừa cầm bánh mỳ ăn vừa ngắm nghía, Huệ đặt câu hỏi.

Bánh mỳ bé như hai ngón tay, dài hơn 20 phân, nhân được quết pate và tương ớt. Bánh được nướng giòn bên ngoài, bên trong có pate nên mềm và thơm. Cắn miếng bánh vừa gọn miếng, vị thơm ngậy của pate cùng vị cay cay đầu lưỡi của tương ớt khiến ta nhanh chóng muốn cắn thêm miếng tiếp theo. Khác với các loại bánh mỳ ta loại to, vỏ cứng ruột mềm hay các loại bánh mỳ gối, vuông, hay đen, mà các thủy thủ mang về. Cái bánh mỳ này đơn giản vậy mà mọi đứa trẻ con đến đám thanh niên đều thích, cóp nhặt tiền để mua.

Một quầy bánh bên công viên Hải phòng

Đa số thích ăn vỏ bánh giòn mà, cùng nắm bột, làm bánh bé như này sẽ có nhiều vỏ hơn.” Hùng vừa cười vừa nói. Huệ cãi “Bánh bé tí như này thì ngoài Pate ra, có nhét gì được vào đâu?” Đúng thế, bánh bé, trứng, rau hay thịt cũng không kẹp được, thực ra thì chả mấy ai có trứng hay thịt xa xỉ mà cho vào bánh mỳ. Ăn sang cái thứ ba, bánh mỳ được bọc trong giấy báo nên vẫn giòn và hơi ấm, thơm ngậy mùi pate, Hùng vẫn im lặng ngắm biển, không trả lời câu hỏi của Huệ.

Hôm nay chuyển mùa nên gió lạnh hơn chút, mùa này trời cũng tối sớm nên chúng nó ra chờ mấy tiếng rồi. Tin báo 9 giờ có hàng về, nhưng giờ đã hơn 10 giờ tối. Bánh mỳ cả hai đứa đã ăn đến cái cuối cùng rồi. Hùng thủng thẳng kể: “Huệ nghe chuyện sự tích hạt thóc chưa?” Huệ ngạc nhiên, đang yên lại chuyện hạt thóc. “Đang bánh mỳ lại sang hạt thóc là sao?” Huệ thắc mắc.

Dây chuyền sản xuất bánh mỳ Cay

Chuyện kể là” Hùng tiếp tục, “Xưa, thời Hùng Vương, hạt gạo, lúa nó to như cái đấu, lúa tự mọc ngoài đồng, chín tự về nhà theo dây dẫn của dân vào tận kho. Nhưng có nhà nọ, lười nên chưa chuẩn bị được thì lúa ùn ùn kéo về, bà vợ tức quá lấy cán chổi quật túi bụi làm hạt thóc vỡ vụn ra. Thế rồi từ đấy lúa không tự về nữa và hạt cũng bé đi. Chuyện chỉ là ước mơ của dân nghèo, nhưng họ có một chuyện khác. Đại ý là.” Hùng kể một chuyện khác về hạt gạo “Các loài vật yêu cầu kích thước hạt gạo, Voi nói, tôi ăn nhiều, hạt cần to như cái thùng. Các loài vật nhỏ thì nói, tôi chỉ muốn hạt gạo bé thôi. To ăn không hết thì bỏ thừa lãng phí... Rồi trời quyết định cho hạt gạo bé như ngày nay, Voi muốn ăn no thì chỉ cần ăn nhiều lên thôi.

Trong cảng, các suất ăn bánh mỳ, vì đơn giản bánh mỳ không hoặc rất ít nhân, mọi người dù đói cũng thường bỏ thừa, lãng phí. Ăn vỏ bánh giòn, nhưng để nguội không còn ngon nữa. Bố Hùng đã thử làm bánh nhỏ đi, chỉ như hai ngón tay và dài khoảng 20 cm. Cùng chỗ bột, sẽ tạo ra nhiều bánh mỳ con, giòn, thơm hơn, dễ ăn hơn. “Ai ăn ít lấy vài cái, ai ăn nhiều thì lấy thêm. Bánh cũng chỉ có chút nhân là pate, đủ bữa ăn nhanh cho công nhân.” Hùng quay sang chuyện bánh mỳ và kết luận “Huệ thấy đấy, giảm được lãng phí và bánh cũng ngon hơn là làm bánh to. Bếp vẫn có các loại, ai ăn bánh to thì lấy, ai ăn ít thì bánh nhỏ, họ có thể mang về nếu suất ăn không hết.”

Đúng lúc tầu về, các thuyền mang hàng vào trong bóng đêm, Hùng vác một thùng vuông khá nặng, Huệ chọn một bao nhỏ rồi cũng lặng lẽ di chuyển. Cả đám chuẩn bị qua hàng rào xây bị sập một góc cùng đống xà bần thì có tiếng hô “Tất cả đứng lại!” Không ai bảo ai, vội vàng chui qua chỗ sập, Hùng kéo Huệ băng qua nhưng kẹt thùng hàng nên Huệ chưa qua. Phía trước đám thanh niên đã ra ngoài đang bỏ chạy, bên trong còn khá đông “Đoàng!” tiếng súng bắn chỉ thiên, những người bên trong đứng như trời trồng. Huệ đang kẹt sát bờ tường, bỗng một cánh tay nắm lấy kéo tuột ra sau thùng phuy dầu thải, đầu Huệ bị ấn xuống khiến cả người bị nằm bẹp xuống đám cỏ bụi.

Tiếng quát, tiếng hô và tiếng đám người di chuyển vào trong cảng. “Họ đi rồi, chui ra thôi.” Vừa đứng dậy, Huệ bị kéo nhanh chóng chui qua tường vỡ ra ngoài và bị kéo chạy một mạch tận ra đường lớn. Lúc này, tới chân cột đèn, bóng đèn vàng mờ với khoảng sáng dưới cái chao, Huệ nhận ra người đã kéo mình. Thì ra là Quân, người từng mua hàng nhà Huệ.

Thời gian trước, một thanh niên cao ráo, tới chợ Sắt tìm mua hàng. Dừng trước hàng mẹ Huệ, muốn mua Ampli và loa. “Giá như nhau, lấy cái nào cũng được, không thử đâu.” Đứng trước cả đống hàng trăm cái loa và ampli các kiểu, không được thử, người mua cứ thế chọn, trả tiền và mang đi. Quân, cậu thanh niên, lúng túng. Bên trong Huệ quan sát và kéo Quân ra một chỗ nói “Khách mua hàng không ai được thử đâu, mà cũng không thử được, để chọn, loa, ampli, họ thường bê cái nào nặng thì lấy!” Sau lần đó, xuống mua hàng là Quân tới hàng nhà Huệ. Dần dần quen, không chỉ hàng điện tử, Quân lấy xe đạp mini Nhật, tới các đồ lớn hơn. “Anh có cửa hàng trên đó à?” Huệ hỏi Quân.

Quân kể, là sinh viên trường kỹ thuật, ở quê ra, Quân muốn kiếm thêm tiền nên được người ta mách xuống Hải phòng mua hàng bãi mang lên trường bán, rồi dần có mối, mang ra chợ Trời giao hàng, áp tải hàng cho chủ trên đó. Từng chuyến hàng không chỉ giúp trang trải cuộc sống sinh viên, Quân còn thành người khá giả và sành điệu so với chúng bạn nữa. “Sao em biết nên chọn hàng nặng thì lấy?” Sau hôm bị đuổi ngoài cảng, thân quen hơn, Quân hỏi. “Em thấy thợ làm vậy.” Huệ trả lời. Quân cũng biết, Ampli hay loa, cùng giá tiền bán theo mớ, nặng là từ biến áp to, tản nhiệt to, củ loa to, nghĩa là công suất lớn. Còn các rủi ro về hỏng hóc khác thì phải chịu, về cắm điện mới biết được.

Hôm đó, Quân xuống lấy hàng, chờ mãi không thấy nhóm xách hàng về nên Quân ra tận bến. Đúng lúc nghe tiếng súng bắn chỉ thiên thì gặp Huệ đang kẹt chỗ tường rào. Phản xạ tự nhiên chạy trốn khiến Quân túm được tay Huệ mà lôi đi. Sau lần đó, hai người thân nhau hơn, hàng hóa Quân lấy được lựa chọn hơn. Rồi Huệ thi thoảng lên Hà nội chơi với Quân. Cô gái đất cảng, lại rủng rỉnh tiền, bập ngay vào phồn hoa của thủ đô. Huệ theo Quân đi từng sàn, quán bar, từ Thiên Khải, Magic, đến New Centery... Ban đầu chỉ thi thoảng cuối tuần, rồi nhiều lần, ở nguyên cả tuần, chục ngày trên Hà nội, trong các cuộc chơi, rồi vài tháng chẳng về.

Bụng mang bầu, Huệ không gặp được Quân, theo thông tin Quân kể, Huệ vào trường tìm, gặp bạn của Quân mới biết, Quân bị nghỉ học từ năm học trước, rất ít về ký túc xá, nhưng sau khi có mối nhận hàng và nhập hàng, Quân ra hẳn bên ngoài ở. Nghe nói Quân đã về quê cưới vợ rồi.

Những quầy hàng ăn đêm không thể thiếu bánh mỳ Cay

Thời gian qua, việc Huệ đi với Quân lên Hà nội thành quen, không ai đoái hoài tới, mẹ Huệ có vẻ còn vun vào nữa, bà là người đã cho Quân lấy hàng nợ, cứ thế mang hàng đi. Thế nhưng, mọi thứ không được mãi. Tàu Viễn dương bị kiểm tra, toàn bộ thủy thủ đoàn bị kỷ luật và cho lên bờ. Cả nhà vẫn trông cậy vào cửa hàng của mẹ Huệ. Bố Huệ lên bờ, say đất, ông lao vào nhậu nhẹt và bị tai biến. Gia đình sa sút trong khi Huệ thâu đêm trên các sàn nhảy. Những đêm dài không phải chờ tàu xách hàng mà là thâu đêm bên những chai rượu và các cuộc chơi. Ngày bố Huệ mất, mẹ Huệ gọi Hùng tới “Cháu lên kiếm con Huệ về giúp cô được không?

Theo mối bạn hàng, rồi Hùng cũng lôi được Huệ về chịu tang bố. Mọi việc xong, mẹ Huệ bán cửa hàng, mang đứa em Huệ vào Nam, không trở ra nữa. “Huệ đừng đi nữa, ở lại Hải phòng đi, Hùng sẽ lo công việc...” Hùng đề nghị khi thấy Huệ nặng nề hơn, không ai chăm sóc. “Hùng sẽ mở quầy bán bánh mỳ, giờ mở cửa rồi, nhà nhà mở cửa hàng, chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Thế rồi sao nữa ạ?” Tôi tò mò hỏi. “Thì sao nữa?” Chị cười, nhìn vào trong nhà nơi người đàn ông đang ngồi với cái máy đóng túi tương ớt, nói. “Bánh mỳ que không chỉ cho chị cuộc sống, thay đổi cuộc đời, còn cho chị cả gia đình.” Ngày đó, chị với Hùng ở lại trong ngôi nhà mà mẹ chị bỏ lại. Gia đình Hùng mọi người đều ủng hộ, yêu thương đùm bọc và chấp nhận. Ngày khai trương quầy bánh cũng là ngày đứa con đầu ra đời.

Bánh mỳ có thể không khác nhau, pate Cột đèn, nói là thế, nhưng cũng mỗi nhà về sau tự làm. Nhưng phần quan trọng thứ ba là tương ớt, mỗi nhà mỗi khác và có vị cay cay khác nhau.” Chị kể “Nhà anh Hùng đông em, mở đến 4 cửa hàng bánh, có hai em chuyên làm pate cho các cửa hàng. Nhưng tương ớt thì nhà nào làm của nhà nấy, nên khách ghé mỗi nhà sẽ có các vị khác nhau.” Chị gói nốt chục cuối cùng cho vào túi, quay sang tôi hỏi “Chú lấy luôn nhé? Pate của em anh Hùng làm đấy.”  Chị chỉ vào bánh pate trên bàn đang được xắt ra quết vào bánh nói “Để nấu pate cột đèn như này, nguyên liệu sẽ là gan lợn, bì lợn, thịt... được lựa chọn kỹ lưỡng và chế biến sạch sẽ. Em anh Hùng làm nên rất ngon.

Hôm trước xuống để chạy giải Marathon, tôi ghé quán bánh phố Lạch Tray mua chục cái, tối về ăn dằn bụng để 3 giờ sáng ra tham gia cuộc đua. Hẹn với chị hôm sau ra mua mang về. Hôm nay, với hơn chục ngàn người từ các nơi về Hải phòng, rất đông trong số này ghé quán mua quà. Chính vì vậy mà phải xếp hàng chờ, hàng trăm người mới tới lượt, nhiều người gọi điện báo trước cũng phải chờ. Tôi cũng phải chờ, nhưng để nghe chuyện nên chưa lấy. Đến giờ chị phải nhắc. “Vâng, chị đóng cho em 6 túi khác nhau.” Tôi đáp “Chị lấy dư cho em pate.

Tác giả trên đường chạy Vnexpress Marathon Hải phòng 2023

Ra về, tôi thấy vị cay cay của bánh mỳ cay. Một loại bánh thực sự đơn giản, không cầu kỳ, thế nhưng nói đến nó là nói tới Hải phòng cho dù các nơi khác có học cách làm và bán nó, người ta cũng bảo là bánh Hải phòng. Thứ giản dị, với tấm lòng, với bao dung, có thể kéo được số phận vượt sóng chông gai để quay về...

 

#chaybodvp

#monandangiadvp

Ảnh minh hoạ: Đặng Vân Phúc

 


Tin liên quan