CHUYỆN TÌNH MƯỜNG HUM
Mùa nước đổ, mùa khắp miền Tây bắc, nơi có ruộng bậc thang đang dẫn nước về hệ thống ruộng trên lưng chừng các sườn núi. Với địa hình núi đồi, ở độ cao trên 1000 m, hệ thống ruộng bậc thang thực sự vào vụ cấy khi mùa mưa đem các nguồn nước thiên nhiên tới và được người dân dẫn về các thửa ruộng của mình. Thời điểm này, cũng là lúc dân phượt, dân nhiếp ảnh kéo nhau về thưởng ngoạn và chụp ảnh những thời khắc của thiên nhiên cũng như con người đang hòa dưới nắng – Thiên Địa Nhân.
“Do dịch Covid-19, nên khách không đông như hằng năm, chủ yêu các đoàn từ Hà nội là người Việt thôi.” A Hờ, chủ nhà nghỉ Homestay ở Y tý trả lời khi được hỏi về tình hình kinh doanh. Là người dân tộc H’Mông trắng, cũng là người được đào tạo và cùng tỉnh nhà phát triển du lịch cho địa phương. A Hờ, là con thứ trong gia đình 6 người con. Được bố mẹ chia cho mảnh đất ở nơi heo hút, cằn cỗi, mảnh đất ít giá trị so với hai người anh. Nhà nghèo, không được đi học, đến giờ vẫn chưa biết chữ. Tuy nhiên may mắn lại đến với A Hờ, khi con đường mở qua Đồn biên phòng Y tý, cũng là con đường dân phượt, chụp ảnh lui tới, đã giúp A Hờ xây dựng thành HomeStay, tạo dựng mô hình kinh doanh thành công cho chính A Hờ và cho địa phương để phát triển du lịch. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến bắt tay khen ngợi và động viên A Hờ!
Ruộng bậc thang hình trái tim
“Em có mấy khu phục vụ du lịch, ở tại Y tý, em có cả đất dưới Thiên Sinh. Có khu trại trên Lảo Thần…” A Hờ kể về kinh doanh, ngoài Homestay khá rộng, có thể phục vụ được cả trăm khách, tất nhiên loại khách bụi. Khu đất mua ở Thiên Sinh, hiện có giá tiền tỷ rồi. Trên Lảo thần, địa điểm du lịch ngắm cả Hoàng hôn và Bình minh. Nằm trên đỉnh núi Lảo Thần, từ đường cái, phải cuốc bộ 3-4 tiếng leo lên núi, trên đỉnh núi, A Hờ có 3 trại cho khách nghỉ và phục vụ ăn uống. Leo núi mấy tiếng, A Hờ cung cấp dịch vụ mang đồ và nấu nướng luôn.
Rất bận rộn nhất là những ngày lễ, cuối tuần, tuy nhiên A Hờ vẫn nhiệt tình bỏ việc để làm hướng dẫn cho chúng tôi đi các điểm đặc biệt. Thức dậy từ 3 giờ sáng để kịp ngắm Bình minh Ngải thầu, xuống thăm Kê gà, ra Thiên Sinh, Sán nhù, về Trình tường cách 15 km… không nề hà. Trên đường, ngoài hướng dẫn đoàn, A Hờ vẫn điều hành ở nhà lo ăn uống cho cả trăm người, nhận khách đặt phòng. Điện thoại liên tục. Là người H’Mông nhưng ăn nói rất khéo, nhẹ nhàng, hiểu biết và chiều khách.
Trên đường, đi cả ngày cùng nhau, A Hờ kể nhiều chuyện. “A Hờ này, người H’Mông còn bắt vợ không?” Một người khách hỏi. “Vẫn còn chứ, tuy nhiên, phải tìm hiểu và được đồng ý rồi mới bắt về…” A Hờ trả lời. “Thế sao A Hờ không bắt người xuôi, người Kinh ấy?” Khách lại hỏi.
“Ối Giàng ơi, Bắt người Kinh khó, con gái Kinh về có biết làm gì đâu? Ruộng bậc thang không làm được, rau không trồng được, gà không chăn được… lại đòi ăn ngon. Hết thức ăn là gọi chồng, ra bắt con gà thịt đi… Vợ Kinh mà về đây chỉ như con gà thôi, nuôi khó lắm!” A Hờ cười tươi kể một mạch, có lẽ đã có nhiều kinh nghiệm chuyện này. “Thế A Hờ lấy vợ như nào?” Khi đủ gần gũi sau nhiều chuyện, người khách hỏi chuyện cá nhân hơn với A Hờ.
Chợ Mường Hum
”Em nhà nghèo, không đi học, bạn bè cùng lứa có vợ, chồng từ 16, em quá 20 vẫn chưa lập gia đình, chưa bắt được vợ…” A Hờ trầm giọng kể. Chuyện là, thời đó, nhà nghèo, A Hờ đi làm thuê xa nhà, tận Mường Hum cách mấy chục kilomet, xa lắm. Dưới đó, nhà chủ là tộc trưởng họ Xênh, một cây chính các họ người H’Mông trắng. A Hờ nghèo nhưng chăm chỉ lắm, được chủ quý giao cho các việc lớn, như quy hoạch ruộng, làm hệ thống nước, quản lý hầu hết các việc đồng. Trong nhà họ Xênh, có Xênh A Mỵ, là con út trong nhà. Kém A Hờ 5 tuổi. Khi đó cô mới 11 tuổi, cô xinh đẹp như hoa Pơ lang, nhí nhảnh như con Họa my, cô thường quấn quýt theo A Hờ đi khắp nơi, từ lên núi tìm nước, lắp máng, đào kênh dẫn nước, đi be bờ, đắp ruộng. Trong khi A Hờ làm việc, cô lấy những bông hoa Sim, những bông chua me đất, cài lên mái tóc dài và ngồi chơi gần đó. Từ mùa nước đổ tới mùa vàng, A Mỵ cứ lớn lên bên A Hờ. Những lúc rảnh, A Mỵ theo A Hờ xuống chợ phiên các Chủ nhật, nơi bao thứ hấp dẫn mới mẻ,
Chợ phiên với A Mỵ là một thế giới đặc biệt, cô luôn phải thật ngoan, chuẩn bị từ trước để sao cho bố mẹ cho đi cùng nhóm người làm và A Hờ xuống đó. Những lúc chợ phiên như này, là thế giới riêng của cô và A Hờ, cô bám theo anh, nũng nịu giữa sắc mầu trang phục các dân tộc cùng tới, ghé qua hàng thổ cẩm, đồ chạm bạc, thử Thắng cố, bánh mật, bánh tẻ, cười giòn khi A Hờ thử rượu thóc lần đầu. A Hờ bao giờ cũng mua cho cô một cái bánh mật để ăn trên đường về. Dù rằng, ở nhà luôn có, nhưng với cô, vị bánh A Hờ mua luôn đặc biệt. Qua hàng chạm bạc, A Hờ thường đứng lâu nhất, cùng A Mỵ ngắm, và ước đến lúc A Hờ có thể mua cho cô đủ bộ trang sức kia…
Phía trên trái tim Mường Hum
Mường Hum là một thung lũng sơn thủy hữu tình, nhà họ Xênh thật giàu có, rất nhiều ruộng. Ở sát dưới dòng nước của thung lũng, có một ngọn đồi, A Hờ rất trau chuốt cho nơi này, những bậc ruộng uốn lượn mềm mại như tóc A Mỵ, các vòng trên cùng và thửa trên cùng, A Hờ uốn nó thành hình trái tim, tâm ý dành cho A Mỵ, thay cho bộ trang sức bạc mơ ước...
Thời gian trôi, A Mỵ đã 16, cô thật rực rỡ với mái tóc dài đen óng, khuôn mặt tươi như trăng rằm, môi thắm như hoa Pơ lang. A Hơ đã ở đây 5 năm. Ngày A Hơ dẫn A Mỵ ra thăm quả đồi, nay là thửa ruộng bậc thang với hình trái tim, A Hờ ngỏ lời với cô.
Nhà họ Xênh, biết chuyện đã đuổi A Hờ đi. Một chàng trai nhà nghèo, dám chòi mâm son sao? A Hờ bỏ về Y tý, tủi thân nhưng vẫn quyết tâm. Anh đã phát triển mảnh đất khô cằn cha mẹ cho để làm du lịch. May mắn, đúng thời kỳ Y tý là địa danh thu hút khách cả tây lẫn ta vừa phượt, vừa chụp ảnh. Bằng hiểu biết cuộc sống và địa danh nơi đây, cùng sự khéo léo, chất phác của A Hờ, cả khách và địa phương đã cùng hỗ trợ và giúp A Hờ phát triển rất tốt, anh trở thành người giàu có.
Ruộng bậc thang mùa nước đổ
Trong khi anh quyết tâm làm giàu, thời gian trôi nhanh, A Mỵ vẫn chờ A Hờ, nhưng gia đình họ Xênh, vì cờ bạc và không có người quản lý tốt như A Hờ, công việc đình trệ nên đã phải bán dần ruộng đất và điều tệ hại nhất, A Mỵ bị gia đình gả ép cho mối dưới xuôi. A Mỵ như cái cây bị nhổ khỏi rừng, như con chim bị nhốt lồng son đâu đó, không còn ở Mường Hum nữa. Khi A Hờ đánh xe hơi về Mường Hum, không quên mang theo bộ đồ trang sức bạc đẹp đẽ nhất xứ mà anh đã đặt làm. Thế nhưng, người ta nói, từ khi A Mỵ bị gả đi, không ai biết cô ở đâu dưới xuôi và không nghe tin tức gì. Đám ruộng chủ mới bỏ hoang, qua thời gian đã lại thành quả đồi cây dại và khô cằn.
Buồn rầu, A Hờ gặp chủ đất mới và chuộc lại được quả đồi dưới thung lũng, nơi thửa ruộng trái tim của anh khi xưa, nơi A Mỵ đã cùng anh hẹn ước. Không thể để Trái tim nguội lạnh, A Hờ thuê người duy trì cày cấy, giữ khu ruộng Trái tim luôn tràn trề nước đổ, vàng óng mùa gặt, luôn giữ sức sống hơi thở của trái tim nồng. Anh về phát triển du lịch và với tất cả các đoàn khách lên Lào cai, Y tý, anh đều giới thiệu quả đồi trái tim này, với hy vọng, A Mỵ một ngày nào đó về thăm quê, sẽ biết đến nơi trái tim A Hơ thuộc về, Trái Tim Mường Hum!
Chia tay A Hờ, một ông chủ trên miền Tây Bắc này, nhìn dáng nhanh nhẹn, hiền lành, tưởng chỉ chuyên điều hành công việc làm ăn, nhưng thực sự lại ẩn chứa một tình yêu sâu sắc thế. Chúng tôi hẹn lần tới sẽ được A Hờ dẫn đi tiếp các điểm dịp Mùa vàng.
"Trên đường về Sapa, các anh nhớ checkin Trái Tim Mường Hum nhé." A Hờ ra tiễn chúng tôi và dặn theo khi xe chuẩn bị chạy. Chúng tôi đã ghé qua điểm Trái Tim Mường Hum, và đăng lên đây, hy vọng A Mỵ có thấy thì về thăm, để có thể hiểu rằng, trái tím A Hờ vẫn luôn ở Mường Hum vậy!
P/s: Ảnh 1 là Tác phẩm: Trái tim Mường Hum - Tác giả: Lê Đức Thành (Đề tài Tự do màu) đạt giải thưởng Quốc tế tại Cuộc thi ảnh quốc tế ''CIRCUIT I LOVE PHOTOGRAPHY 2018" do Photo Club ARIZONA (PCA) Serbia tổ chức và được sự bảo trợ của PSA số 227/2018; PGS số 001; PGD số 001; PCA số 029/2018.
Đặng Vân Phúc - Mường Hum 05/2020