Mai Văn Hiến

Họa sỹ Mai Văn Hiến, mơ đời chiến sỹ

Họa sỹ Mai Văn Hiến quê tại Điều Hòa, Mỹ Tho, Tiền Giang, nhưng sinh tại Phước Ninh, Đà Nẵng, nơi quê hương miền Nam ấm áp với những gương mặt thật thà, đôn hậu, hồn nhiên đã tạo một Mai Văn Hiến luôn yêu đời với cuộc sống giản dị, quá nửa đời người trong quân ngũ, nay đây mai đó đã tạo cho ông một tình cảm nhân hậu với những người xung quang như sống giữa người thân gắn bó.

Học Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa 17 (1943 - 1945), khi tiếng súng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 nổ ra ông tham gia ngay phong trào sinh viên chống Pháp, cũng là năm trường Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa. Năm 1946, cùng với họa sỹ Nguyễn Sáng ông được Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng giao vẽ giấy bạc 5 đồng phục vụ nền tài chính non trẻ của Chính phủ.

Ông có mặt sớm tại chiến khu Việt Bắc, cái nôi của Văn nghệ Kháng chiến. Từ 1947, ông chuyển sang Ban Tuyên huấn Tổng Cục Chính trị, phụ trách báo Vệ Quốc Quân, từ đây ông bắt đầu đời quân ngũ, mơ đời chiến sỹ, theo chân anh bộ đội từ mặt trận Đông Bắc, Biên Giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Có lẽ cuộc đời quân ngũ đó đã giúp ông có cái nhìn đa diện về cuộc sống con người, số phận. Chỉ một câu bút chì và cuốn sổ tay ông đã ghi lại chân thực những tháng ngày gian khổ, hy sinh, thiếu thốn: Bộ đội đào hầm, bộ đội giúp dân tăng gia sản xuất, dân công sửa đường, tiếp tế đạn dược và những lúc thảnh thơi lại cùng nhau tắm suối, câu cá, đàn hát vui vẻ.

Theo khuynh hướng hiện thực, tranh Mai Văn Hiến dễ gần với người xem, đôi nét hóm hỉnh, vui nhộn. Ông cũng từng vẽ tranh biếm họa, tranh đả kích đăng trên báo. Trên tranh ông, ta không tìm thấy nét ưu tư, phiền muộn cảnh vắng, người thưa. Tác phẩm của ông luôn bố cục đông người hoạt động náo nhiệt, nét mặt tươi tỉnh, vui vẻ. Phần lớn là đề tài bộ đội, dân công, súng ống, doanh trại, thao trường, hành quân, lội suối…

 

hy

Mai Văn Hiến, Gặp gỡ, bột màu, 1954

 

Tiết tấu nhịp điệu trong tác phẩm được đẩy dồn dập, nhiều chi tiết nhưng lại tập trung chủ đề. Sưu tập tranh của công tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Trước giờ ra thao trường (1955), Những lời dạy bảo (1958), Bướm dọc đường (1984), Du kích Đông Bắc 1949 (1989), Hoa doanh trại (1989), Anh bộ đội Cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc (1998) cho ta sống lại một thời trận mạc, chiến tranh. Cuộc đời quân ngũ đã đưa họa sỹ Mai Văn Hiến đến với mọi nẻo đường chiến dịch. Bằng tình cảm đôn hậu ông nắm bắt rất nhanh những hiện tượng xảy ra xung quanh mà không hề mấy ai có được trực giác ấy khi cùng đồng hành với ông trên một con đường.

Tác phẩm Gặp gỡ vẽ bằng bột màu (1954) đã quá quen thuộc với người xem, và nổi tiếng ngay từ khi nó mới ra đời. Gặp gỡ của Mai Văn hiến được ra đời từ cái liếc nhìn hóm hỉnh, kín đáo của ông. Chàng là một chiến sỹ súng quàng vai, ba lô, bao đạn quấn quanh người. Nàng là một cô gái dân công tiếp tế đạn dược cho chiến trường, quang gánh còn ở trên vai. Họ là người làng của nhau, bất chợt họ gặp nhau trên một bãi nghỉ chuyển quân. Trong cái không khí nhộn nhịp này, họ nhận ra nhau vội vàng hối hả, những cử chỉ của anh chiến sỹ, cô dân công cho chúng ta thấy họ rất vội vàng, cảm động sung sướng và đôi chút ngượng nghịu. Dù sao họ cũng là một đôi gái gặp nhau ở chỗ đông người. Bạn của chàng trai, cô gái đều hướng về họ, nụ cười tủm tỉm trêm những đôi môi chiến sỹ, bạn gái thì có cái nhìn tế nhị cảm thông - Ta còn thấy cái vội vàng của đôi bạn khi nhận ra nhau trên đường hành quân vội vàng chốc lát ở cử chỉ, dáng điệu, động tác. Cái giỏi của Mai Văn Hiến là tài quan sát, cộng thêm tình cảm sâu nặng, hóm hỉnh đầy ắp tình người gặp gỡ qua nhiều năm tháng vẫn là một tác phẩm ấn tượng nhất khi nói về những sáng tác của Mai Văn Hiến trong những ngày đầu hòa bình hạnh phúc, ông là niềm vui, niềm khát vọng sống.

 

hy3

Mai Văn Hiến, Anh Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc, sơn dầu, 1998

 

Những ký ức đẹp đẽ ấy luôn theo ông trong suốt cuộc sống đời thường, ông vẽ từ tốn, không gắp gáp nhưng ký ức thì dào dạt như thúc giục ông cầm bút.

Mai Văn Hiến còn làm chủ bảng màu xanh tươi trong trẻo về những miền quê đầm ấm tình người. Với bút pháp hiện thực tác phẩm của ông như chính con người ông đôn hậu và mẫu mực vui vẻ.

Ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001. Ông có cuộc sống đa dạng từ quân ngũ chuyển sang phụ trách Mỹ thuật. Trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội nơi ông gắn bó đến hết cuộc đời, nơi bảng màu hội họa tươi mới của ông đôi chút lãng mạng khi vẽ về thiếu nữ Hà Nội,  những ngôi nhà ấm cúng, cô gái tựa cửa có con mèo dưới chân, một chút tình cảm thoảng qua làm mềm mại đường nét, màu sắc của một tác giả yêu đời, lạc quan trong quan niệm sống bình yên. Tác phẩm Trăng non (lụa), Trung du (sơn dàu), Làng quê Đường Lâm (lụa) là những tác phẩm gần cuộc đời của ông man mác một ký ức những vùng đất ông đã qua khi mơ đời chiến sỹ đã thành hiện thực trong cuộc đời ông, cuộc đời một nghệ sỹ - chiến sỹ trong cuộc hành trình vào cái đẹp từ ngàn xưa mà ông đã trân trọng gìn giữ trong suốt cả cuộc đời mình.

 N.H.Y

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 09/2013)

Nguồn :http://ape.gov.vn/hoa-sy-mai-van-hien-mo-doi-chien-sy-ds284.th


Tin liên quan