NHÂN KỈ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH VÀ 20 NĂM NGÀY MẤT CỦA CỐ HỌA SỸ VĂN GIÁO
Từ những năm 1950, trong kháng chiến chống Pháp, tôi có may mắn được gặp họa sỹ Văn Giáo trong một lần ông về “triển lãm lưu động” tại trường Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Cán bộ Đoàn chúng tôi đã cùng ông đóng cọc, căng dây, treo tranh tại sân trường, rồi ông giới thiệu, thuyết minh triển lãm rất nhiệt tình. Lần đầu trong đời, chúng tôi được trực tiếp tiếp xúc với tác giả, tác phẩm mỹ thuật, một ngành nghệ thuật hấp dẫn và khó hiểu… Đó là một kỷ niệm đẹp. Âu cũng là cái duyên của tôi với mỹ thuật.
Sau này về công tác giảng dạy, nghiên cứu tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, rồi tham gia công tác Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi có nhiều cơ hội gặp Văn Giáo trong các triển lãm, nhất là các buổi tọa đàm, hội thảo và ông thường có nhiều ý kiến đóng góp. Cùng với thời gian, tôi càng hiểu họa sỹ Văn Giáo nhiều hơn…
Họa sỹ Văn Giáo
“Một con người trọng thực, trực tính và cầu tiến”. “Cầu Tiến” là một bút danh ông tự đặt cho mình, một cách trực tính và khác người, với mong muốn tự vượt được chính mình, tự làm mới nghệ thuật của mình. Trong sáng tạo nghệ thuật, tự vượt được chính mình là rất khó, đó là những phẩm chất quý giá làm nên con người, tính cách của họa sỹ Văn Giáo. Chẳng phải “Văn là người, Họa cũng là người” đó sao.
Tôi được xem một bức ảnh lớn các lớp học 1934-1938 tại Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương chụp cách đây 80 năm mà họa sỹ Văn Giáo còn lưu lại được, các sinh viên – tác giả hiện diện trong tấm ảnh đó sau này đều là các tác giả có tác phẩm vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trong đó có Văn Giáo.
Có điều hình như cái duyên, cái số buộc Văn Giáo chọn con đường tự học, tự đào tạo. Theo tôi, chính “trường đời” là một trường đại học lớn đào tạo ông nên người thành danh Họa sỹ. Trong lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam, không ít họa sỹ thành danh bằng con đường tự học, tự đào tạo. Như một quy luật muôn đời của nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật tất cả tùy thuộc vào tài năng và tâm huyết của nghệ sỹ. Không thể dạy sáng tạo nghệ thuật được, trường đời sẽ phát hiện và đào tạo tài năng nghệ thuật của họ.
Từ lòng yêu nước, yêu nghệ thuật của dân tộc cũng như nhiều họa sỹ cùng thế hệ, ông tự nguyện đến với cách mạng và đi vào kháng chiến. Năm 1946 ông Nam tiến cùng họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung. Chính chiến trường Nam Trung Bộ là miền “đất hứa” để ông có được không ít tác phẩm đẹp đi vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Đó chính là “trường đời” - nơi đã tiếp sức cho Văn Giáo bước tiếp trên con đường nghệ thuật của mình.
Văn Giáo, Hơ áo chiến sỹ, bột màu
Về nghệ thuật, nói đến họa sỹ Văn Giáo không thể không thể nói đến ba đặc điểm nổi trội thể hiện đầy đủ sở trường nghệ thuật của ông:
- Họa sỹ Văn Giáo được biết đến là một tác giả hầu như dành trọn cả đời mình cho đề tài Bác Hồ. Một thể loại tranh chân dung nhân vật lãnh tụ theo tiêu chí thẩm định “Giống cho đời nay và đẹp cho đời sau”, đòi hỏi cao bản lĩnh về hình, bởi “hình là ba phần tư tác phẩm”. Đặc biệt với một phong cách sáng tác riêng, ông đã trực tiếp đến sống và vẽ ở những nơi Bác sống, làm việc như: Quê hương xứ Nghệ, Pắc Bó, Cao Bằng... Theo ông phải thực sự sống với những người mình vẽ và vẽ với những người mình từng sống mới thức dậy được cảm hứng sáng tạo, tìm được ý tưởng nghệ thuật hay. Văn Giáo đã để lại cho đời những tác phẩm về Bác: Chân dung Hồ Chủ tịch, Bác viết Tuyên ngôn độc lập, Bác về thăm quê… gây xúc động trong lòng người xem, đi vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
Văn Giáo, Cây liễu bên nhà sàn Bác Hồ, bột màu
- Văn Giáo là họa sỹ sớm thành công về thể loại tranh phong cảnh quê hương, có nhiều tác phẩm đẹp nhờ biết xử lý ánh sáng tinh tế. “Ánh sáng là nhân vật chính trong tranh phong cảnh, bởi lẽ chỉ một cảnh đẹp nhưng trong không gian ánh sáng bình minh, trưa hè, hoàng hôn đều đem lại cảm thụ về cuộc sống khác nhau. Với hai tác phẩm: Đền Voi Phục và Đêm nay Bác không ngủ, một ánh sáng ban ngày hội đủ khả năng tả thực, tả ánh sáng sống động, một ánh sáng ban đêm thiên về gợi, biết khai thác các yếu tố tạo hình siêu thực, biểu hiện trừu tượng. Chỉ là cảnh một nhà sàn Bác ở, làm việc quen thuộc, không có hình tượng nhân vật Bác mà ta vẫn“đọc được” nội dung tư tưởng tác phẩm, khắc họa được một hiện thực tâm trạng. Cả hai tác phẩm trên đều biết xử lý ánh sáng đúng độ, tinh tế và hiệu quả.
Văn Giáo, Cầu Thê Húc, bột màu
- Họa sỹ Văn Giáo có duyên với chất liệu bột màu, cũng như họa sỹ Nguyễn Phan Chánh có duyên với chất liệu lụa, họa sỹ Nguyễn Gia Trí có duyên với chất liệu sơn mài… Trong sáng tạo mỹ thuật tất cả chất liệu đều bình đẳng, tất cả đòi hỏi họa sỹ phải tự biết đâu là sở trường, đâu là sở đoản của mình, cùng với tâm huyết và tài năng mới đi tới tận cùng vẻ đẹp đặc thù của từng chất liệu. Tranh bột màu của ông không chỉ là sở trường mà đã trở thành một thương hiệu mang tên Văn Giáo.
Văn Giáo, Nắm đất Tổ quốc, sơn dầu
Xem các tác phẩm, chúng ta dễ nhận ra dấu chân Văn Giáo in trên khắp nẻo đường theo chiều dài của đất nước từ Bắc tới Nam. Đây chính là hiệu quả một phong cách sáng tác của ông: Đi - vẽ - triển lãm, đã đưa tác giả, tác phẩm kịp thời đi vào đời sống. Ở ông đã định hình, định vị một phong cách hiện thực tâm trạng giàu phẩm chất cách mạng và trữ tình.
Văn Giáo, Tìm gặp người thân, sơn dầu
Năm 2016, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của cố họa sỹ Văn Giáo, gia đình ông đã dày công tìm kiếm, sưu tầm như một cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật để xuất bản một tuyển tập tranh hoàn chỉnh - như một nén nhang thơm gửi tới hương hồn người nghệ sỹ. Tựu chung, ông đã để lại cho đời những đóng góp nhất định cho đề tài Bác Hồ, thể loại tranh phong cảnh, chất liệu bột màu. Chúng ta nhớ về ông là nhớ tới ba đặc điểm nghệ thuật trên, đã hình thành một chân dung nghệ thuật hoàn chỉnh của cố họa sỹ Văn Giáo.
L.Q.B
Nguồn : http://ape.gov.vn/hoa-sy-van-giao-mot-con-nguoi-trong-thuc-ds1036.th