Lê Tuấn Anh

LÊ TUẤN ANH - KHI HỒN QUÊ PHIÊU DIÊU CÙNG CHẤT LIỆU

http://www.vietnamfineart.com.vn/Uploaded/anbinh_tcmt/ta-1.jpg

http://www.vietnamfineart.com.vn/Uploaded/anbinh_tcmt/ta-1.jpg


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LÊ TUẤN ANH - Một góc làng cổ. 2010-2013. Tổng hợp. 83x118cm




Thời điểm giữa những năm 1980, ở nước ta, có thể là một thời điểm khó khăn đối với các họa sĩ trẻ. Khi mà sự tiếp nhận "cái mới" dường như đã chững lại, bởi nhiều lý do khác nhau. Lúc bấy giờ, người ta đang đặt cược nền nghệ thuật của dân tộc cho nhiều khuynh hướng vốn bị xem là "thuần túy ngoại lai", "hình thức chủ nghĩa", "thiếu tính thích nghi", thậm chí đối lập về "ý thức hệ". Song, ngay lập tức, người ta lại "chưng hửng" và "hoang mang" trước những "giá trị" đã ít nhiều vượt xa khỏi hệ quy chiếu cố hữu, đã mòn mỏi, trơ ì của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sự thật là, ngay cả "Múa cổ" của Nguyễn Tư Nghiêm, lúc đó, vẫn được xếp chung vào cùng "bó đũa" ấy. Và chuyện này, có thể nói, chỉ kết thúc hẳn sau khi Liên Xô tan rã.

Sự chấm hết, hay nói cách khác, sự hoàn tất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, khi đó, quả là một cú sốc đối với các họa sĩ "cách mạng - kháng chiến", kể cả với một số bậc thầy, như Trần Văn Cẩn, cho dù họ chưa bao giờ là các họa sĩ "chỉ chuyên vào hiện thực" (theo cách nói của René Huyghe).

 

http://www.vietnamfineart.com.vn/Uploaded/anbinh_tcmt/ta-2.jpg

LÊ TUẤN ANH - Cảnh làng chài. 2010-2013. Tổng hợp. 83x118cm

http://www.vietnamfineart.com.vn/Uploaded/anbinh_tcmt/ta-3.jpg

LÊ TUẤN ANH - Lao động miền biển. 2010-2013. Tổng hợp. 83x118cm



Khí hậu nhân văn đã thay đổi, và từ đó, trong nghệ thuật, "tư sản" hay "phương Tây", "Kandinsky" hay "Pollock", "tượng hình" hay "phi tượng hình",v.v. - không còn là những húy tự. Những tên tranh nghe rất "lạ" như "Chuyển phân ra đồng", "Nộp thóc vào kho", "Tiêm phòng cho lợn"... - đã được thay thế bằng "Những cánh chim thế kỷ", "Quà tặng châu Á", "Những đồ vật của con người"...

* *

*

Sinh năm 1962, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1984, Lê Tuấn Anh là một trong số những họa sĩ "mới ra nghề" - đã chịu tác động và hình thành nên tính cách của mình trong bối cảnh ấy. Anh còn có sự động viên, chia sẻ của người bạn đời nguyện giúp anh trên con đường nghệ thuật.

Đi từ những đề tài Phật giáo, qua sự kết hợp giữa biểu tượng và trang trí, từ những năm 2000, như Lê Tuấn Anh nói: "Tôi muốn quay trở lại với đồng quê", núi cao, làng chài, sinh hoạt nông thôn, các lễ hội truyền thống... Và, hình thức nghệ thuật trong hội họa của Lê Tuấn Anh, quả nhiên, cũng đã được sinh ra và biến đổi theo trình tự ấy.

Xem tranh của Lê Tuấn Anh, người ta không bị choáng ngợp bởi những cái "giật gân", "tân kỳ”, mà thấy được một sự tiếp nối hài hòa và trật tự từ truyền thống. Chúng là những bài thơ "dễ đọc", không trúc trắc, có vần điệu; xem xong rồi, thậm chí "quên" đi rồi, mà vẫn còn nghe vọng tiếng ngân nga.

 

http://www.vietnamfineart.com.vn/Uploaded/anbinh_tcmt/ta-4.jpg

LÊ TUẤN ANH - Vó đại. 2010-2013. Tổng hợp. 83x118cm

http://www.vietnamfineart.com.vn/Uploaded/anbinh_tcmt/ta-5.jpg

LÊ TUẤN ANH - Cảnh nông thôn nắng. 2010-2013. Tổng hợp. 83x118cm

http://www.vietnamfineart.com.vn/Uploaded/anbinh_tcmt/ta-6.jpg

LÊ TUẤN ANH - Cảnh và người. 2010-2013. Tổng hợp. 83x118cm


“Tôi không thích sự sắp đặt - Lê Tuấn Anh nói - Tôi muốn thể hiện những gì đang hiển hiện trong đầu mình. Mỗi người đều có một cấu trúc giống với một tủ ngăn kéo. Mỗi khi chúng ta mở ra một ngăn, chúng ta sẽ tìm thấy một vài thứ thích hợp với mình. Sau nhiều năm làm việc, tôi cảm thấy thật tự do, không bị ràng buộc, tôi làm những gì mình thích”.

Nghệ thuật hiện đại là cuộc đấu tranh và hòa giải giữa "ngoại cảnh" và "nội tâm" con người, giữa "bên trong" và "bên ngoài", giữa các nền văn hóa, mà - hình thức - thì muôn đời - phải tự thân nó ra.

Lâu nay, "trừu tượng" là "thời trang". Song, kỳ thực, bất kỳ tác phẩm hội họa nào đẹp, cho dù là "tượng hình" hay "phi tượng hình", xưa nay, cũng đều được kết thúc ở một hiệu quả "trừu tượng".

Trong hội họa, về căn bản, người châu Âu quán triệt tư tưởng "trừu tượng" từ màu sắc. Người châu Á, sớm hơn, từ đường nét. Mặt khác, khi Van Gogh vẽ những nét trắng trên những bức tường nhà trắng trong tranh ông - thì ông đã báo hiệu cho một Malevitch, một Tàpies... Và kể từ đây, kết cấu (texture) của màu, của mặt tranh, không chỉ là một phương tiện biểu cảm, mà còn là một phương tiện trừu tượng hóa, và đôi khi, bản thân kết cấu đã trở thành đề tài thực sự của tác phẩm.

Sự "linh hoạt hóa" bản tính vốn có của sơn dầu, bằng cách kết hợp sơn dầu với điệp, màu bột, giấy dó, qua những vết loang, vết nhăn, vết xước, vết rạn; màu và chất có khi phớt nhẹ như điểm mực, có khi lại đặc quánh, chắc như khảm, phô diễn được cả hình, cả nét, cả màu trong một bút pháp nửa thực nửa hư - hẳn đã tạo nên cái đặc sắc của tranh Lê Tuấn Anh. Và có thể nói, Lê Tuấn Anh là một trong những người kế tục tốt của cả hai nền văn hóa - kỹ thuật hội họa Á - Âu.

Trong nền hội họa Việt Nam đương đại, một hướng đi, một hướng tìm tòi về chất liệu như thế, thật đáng để trân trọng và nghiên cứu. Với trường hợp như của Lê Tuấn Anh, sự đổi mới của hội họa Việt Nam vẫn tìm thấy tương lai của mình qua những diễn biến hiện đại để tiếp tục kéo dài một truyền thống sử thi và trữ tình thông qua cái bình dị.

Quang Việt - Ngày 19/5/2013

http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Cactacgia_tacpham/2013/6/3446.html

 


Tin liên quan