Tin Nghệ Thuật Việt Nam

LÊ HUY TOÀN – KÝ ỨC 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

LÊ HUY TOÀN – KÝ ỨC 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

 

Đặng Vân Phúc

04 tháng 5 năm 2024

 

Lần đầu được thấy tranh của ông trong thời khắc đặc biệt cả về không gian và thời gian. Thời gian đúng dịp kỷ niệm 70 năm lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Tranh được mặc áo mới trưng bày trong không gian triển lãm, chia sẻ ký ức với những người thân, bạn bè cùng thưởng lãm…” ông Lê Huy Tuấn, con trai của cố hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn xúc động phát biểu trong khai mạc triển lãm.

Chụp ảnh với vợ cố hoạ sĩ Lê Huy Toàn, hoạ sĩ Trịnh Sinh Nha, hoạ sĩ Nguyễn Nghiêm Thành (con nhạc sĩ Văn Cao) tại triển lãm

Ký ức Điện Biên”, triển lãm nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm, quỹ hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hoá Việt Nam cùng công ty cổ phần ACIT tổ chức trưng bày 70 tác phẩm của hoạ sĩ Lê Huy Toàn, các tác phẩm ký hoạ được hoạ sĩ vẽ lại từ những năm 2004 trở về trước. Triển lãm được thực hiện tại Aqua Art, 44 Yên Phụ từ ngày 04/5/2024 đến hết ngày 19/5/2024.

Với hơn 40 năm quân ngũ, đại tá Lê Huy Toàn đi qua rất nhiều chiến dịch quan trọng của đất nước, từ chiến dịch Sông Lô, Biên giới 1950, chiến dịch Sầm nưa đến chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 rồi trải dài 9 năm kháng chiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Là chiến sĩ nhưng cũng là hoạ sĩ, ông đã ký hoạ rất nhiều khoảng khắc của chiến tranh, những cảnh chiến trận, những cảnh sinh hoạt, thương binh, dân công, chiến sĩ chiến đấu và cả những cảnh bình yên thôn xóm hay từng chân dung những người ông gặp. Đặc biệt, rất nhiều ký hoạ về sư đoàn 312, nơi ông gắn bó và những trận chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

56 ngày đêm khốc liệt của cuộc chiến, những hình ảnh của chiến sĩ áo trấn thủ, những đoàn dân công, những xe kéo pháo, những thương binh từ các mặt trận đưa về, những khoảnh khắc từ Him Lam, Bản Kéo, A1, C1 và rồi hầm Đờ Cát khi chiến thắng, đều được ông ghi chép trong hàng ngàn bức ký hoạ, trong các tập sổ tay. Không chỉ 70 bức tranh tiêu biểu được trưng bày dịp 70 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đem đến triển lãm, gia đình hoạ sĩ còn chụp, in, xuất bản nhiều sách, sổ ký hoạ hàng trăm tác phẩm của hoạ sĩ để tặng cho khán giả thưởng lãm.

Tại phòng trưng bày còn có các tủ kính chứa các mô hình máy bay, thiết xa, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm cùng nhiều phương tiện và dụng cụ chiến tranh. “Các mô hình này đều do tự tay hoạ sĩ làm thủ công, chúng đều hoạt động được và đủ các chi tiết như thật. Hoạ sĩ có thể tạo bối cảnh, đặt chúng lên và dựa vào đó để có thể phác hoạ khi sáng tác.” Ông Lê Huy Tuấn giới thiệu cho các khách đặc biệt, nguyên UVBCT Phạm Quang Nghị, Anh hùng LLVT Thiếu tướng Lê Mã Lương, Trung tướng Nguyễn Hữu Chỉnh… Trong tủ kính, khán giả có thể nhận ra khẩu pháo cao xạ, xe cẩu, đầu máy xe lửa, máy bay tiêm kích, trực thăng… rất tinh xảo.

Cùng với các tranh ký hoạ đặc sắc, những phác hoạ của người trong cuộc mô tả khéo léo những chân dung, bộ đội, dân quân, người dân tộc, còn có cảnh đập lúa thu hoạch, cảnh mất mát đau thương, cảnh trị thương, cảnh dân quân vai cày vai súng, đặc biệt, một bà mẹ trẻ vắt sữa nuôi thương binh trong tác phẩm “Nguồn sống.” Các tác phẩm cả bằng bút mực, có cả sơn dầu, bột mầu trên giấy.

Những câu chuyện được kể lại bằng tranh từ chính người trong cuộc, lại được trưng bày đúng dịp đặc biệt trong một không gian đặc biệt, sẽ đem lại những ấn tượng sâu sắc với người xem, với bạn bè, đồng đội của hoạ sĩ, với thế hệ đi sau khi cuộc chiến đã qua khá xa hơn một thế hệ. Những thành quả có được ngày nay, chúng ta cũng không thể quên những mất mát ngày hôm qua của cha ông.

Dưới đây là một số tranh và hình ảnh trong triển lãm:

 

 

 


Tin liên quan