Tin Nghệ Thuật Việt Nam

VẬT MANG GIÁ

VẬT MANG GIÁ

Nhân sự kiện đấu giá tranh Việt nam tại Phiên đấu Beyond Legends: Modern Art Evening Sale (Hơn cả huyền thoại: Đêm nghệ thuật hiện đại) của nhà Sotheby’s diễn ra từ lúc 18h30 ngày 18/4/2021 tại Hong Kong (Trung Quốc), bức “Chân dung cô Phượng” của danh họa Mai Trung Thứ là một điểm nhấn trong năm đã đoạt giá đấu là 24.375.000 HKD, tương đương hơn 3,1 triệu USD, hơn 72,3 tỷ đồng, trong khi giá dự kiến vào 7.500.000-9.300.000 HKD. 

Xin phép được “suy diễn” chút về Vật mang giá.
Từ cổ đại, con người đã nghĩ ra một thứ mà ngày nay gọi là Tiền tệ. Tất nhiên, nó được phát triển và điều chỉnh dần. Theo Wiki “Tiền tệ là tiền khi chỉ xét tới chức năng là phương tiện thanh toán, là đồng tiền được luật pháp quy định để phục vụ trao đổi hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia hay nền kinh tế. Vì định nghĩa như vậy, tiền tệ còn được gọi là "tiền lưu thông". Tiền tệ có thể mang hình thức tiền giấy hoặc tiền kim loại (tiền pháp định) do Nhà nước (ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính,...) phát hành, tiền hàng hóa (vỏ sò, gạo, muối, vàng), tiền thay thế (coupon, dặm bay, điểm thưởng, phỉnh poker,...), hoặc tiền mã hóa do một mạng lưới máy tính phát hành (điển hình là Bitcoin)” Cơ bản, định nghĩa này nói về Fiat money, tiền Pháp định. Ngày nay, rất nhiều thứ lai giữa tiền và hàng hóa như các loại Coins, thứ chưa theo điều chỉnh pháp luật nào cả, gần như chưa có định nghĩa nó là Tiền, là hàng, hay là gì đó?

Nôm na là, loài người đã đang sử dụng những vật trung gian, có thể là Pháp định, cũng có thể không, và được quy ước để làm trung gian thanh toán. Vật trung gian đó được mang Giá trị thanh toán. Tôi gọi nó là Vật mang giá.

Tiền Pháp định, Fiat Money, nó có các thuộc tính của nó, trong đó thuộc tính giá trị, nghĩa là mỗi tờ tiền (note) hay xu, có một mệnh giá nhất định. Ví dụ, đồng 500 đồng, 500 ngàn đồng hay 100 USD… Vàng ta có 1 chỉ, 1 lượng, nhưng Vàng có thể chia nhỏ vật chất với con số tùy khả năng. Với xã hội số, các loại Coins thì được mang giá trị có thể chia theo cơ số học. Không bị giới hạn bởi mệnh giá như tiền giấy hay xu. 

Đến đây, xin suy diễn chút. Ngoài các loại tiền Pháp định, xã hội vẫn tạo ra các phương tiện thanh toán với vật mang giá khác nhau mà tổ chức nội bộ họ quy ước, tin cậy cũng như đồng thuận sử dụng như Bitcoin, Phỉnh, các loại hàng hóa ảo trong Games… (tài sản số). Mỗi một thứ, để có giá trị, nó phải xây dựng được cộng đồng riêng của nó, minh chứng giá trị và được cộng đồng chấp thuận. Như Bitcoin, với số lượng đông đảo, cho dù có vô số các loại Coins mới (Cryptocurrency) được tạo ra với nhiều cải tiến cũng như tính năng mới, nhưng chưa có cái nào có được cộng đồng như Bitcoin và dù muốn hay không, nó vẫn mang giá trị ngoài ý muốn của bất cứ thế lực nào cưỡng lại. Cũng như đồng USD, trên thế giới có vài trăm loại tiền Pháp định, nhưng thành đồng tiền mạnh, không dễ thuyết phục và chứng minh loài người sử dụng cạnh tranh với USD.

Bạn cũng có thể nói về Bitcoin, “Ôi dào, nó lừa đảo, nó ảo, chẳng mang hữu ích gì, tôi chẳng tin…” bạn chỉ là một trong vô vàn người không tin. Nhưng nó (Bitcoin) có cộng đồng riêng của nó và đời sống riêng của nó, nó cứ tồn tại khách quan. Hay có  người nói: “Làm thứ như Bitcoin dễ, tôi cũng làm được!” Đúng, công nghệ ngày nay cho phép làm tương tự, nhưng bạn muốn được như Bitcoin, bạn phải có được cộng đồng như nó, thuyết phục cộng đồng và chứng minh giá trị!

Giờ đến lượt tranh, tôi cho rằng tranh là một thứ Vật mang giá! Để bức tranh thành vật mang giá, bức tranh đó phải được cộng đồng của nó “nuôi” sống, bảo chứng , chứng thực, chứng minh và “gán” giá trị vào đó. Khi là Vật mang giá, nó không có ý nghĩa ở Đắt hay Rẻ nữa. Chúng ta thấy vô nghĩa khi nói tờ tiền 500 ngàn là đắt hay rẻ! Nó là tờ giấy (note) mang mệnh giá 500 ngàn và sức mua là 500 ngàn, được Pháp luật quy định và được xã hội đồng thuận chấp nhận. Bức tranh khi được tổ chức nhà đấu giá công bố từ sự kiện đấu giá, một hệ thống phía sau làm giám định, giám sát và “nuôi” sự đảm bảo cho nó và “Gán” giá trị cho nó, nó trở thành vật mang giá với giá trị là X Đồng! Ví dụ, bức tranh “Chân dung cô Phượng” được gán giá trị 3,1 triệu USD!

Bạn có thể nói: “Ờ, thế có người mang khúc củi ra và bảo nó 100 triệu USD được không?” Quá được chứ, với điều kiện bạn xây dựng được hệ thống đảm bảo cho khúc củi đó và thuyết phục được cộng đồng rằng khúc củi đó là 100 triệu USD và bạn có thể tin được nó là 100 triệu USD. Vật mang giá này không hẳn giống tiền (Fiat Money) hay Vàng, giá trị nó mang cũng sẽ giao động lên hay xuống tùy thuộc vào nhiều yếu tố, và quan trọng nhất là cộng đồng mà nó tạo ra xung quanh. Người sở hữu vật mang giá, có thể mang đi trao đổi, giao dịch, nếu thuyết phục được người nhận về giá trị nó mang là OK! 

Đồng  tiền Pháp định cũng có thể mất giá khi nó mất lòng tin của xã hội như đồng Venezuela chẳng hạn. Đồng Bitcoin cũng thế. Đồng cạnh tranh sức mạnh  USD như Eur phải rất lâu mới tạo dựng nổi. Tranh tiền triệu USD thành mớ giẻ hay về giá trị thực khi thanh khoản không còn...

Như vậy, với công đồng riêng của giới chơi tranh nghệ thuật, họ có thể mang nhiều bất ngờ đến với người ngoài cuộc, nhưng trong giới, chắc chẳng ai ngạc nhiên và chẳng ai nói đắt hay rẻ với vật mang giá mà họ vừa gán giá trị vào cho nó!

Đặng Vân Phúc – Tháng Tư, 2021
 


Tin liên quan