
BẢO TỒN HAY THÔN TÍNH?
Đặng Vân Phúc – 04/2022
“Không thể nói người Da Đen ở Mỹ cần duy trì bản sắc và cuộc sống như ở châu Phi được. Cũng không thể đòi hỏi người Da Đỏ ở New York nên cưỡi ngựa và sống du mục như tổ tiên…” Một anh bạn phân tích khi nói chuyện về việc duy trì bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Đúng, với mỗi thời, mỗi khu vực và hoàn cảnh sẽ cần chấp nhận một cách khác nhau. Nước Mỹ, từ khi xâm lấn bởi người châu Âu hơn 300 năm trước, người ngoại lai tăng số lượng, họ mang văn hóa, mức sống, cơ cấu xã hội cùng pháp luật tới. Lấn át, đàn áp bản địa một cách trực diện như một cuộc chiến sinh tồn vậy. Tất nhiên có nhiều yếu tố khác nữa. Tỷ lệ người Da Đen/Màu hay người Da Đỏ trên tổng thể là không nhiều.
Đồi chè Phiêng Tiến
Ở Việt nam thì sao? Cụ thể Mộc châu?
Ở 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ hiện có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là người Thái, Mông, Kinh, Dao, Mường. Các dân tộc chủ yếu sống tập trung thành những bản, mường nhỏ, cư trú xen nhau, hòa nhập vào nhau. Nó tạo nên đặc điểm điển hình là sự giao thoa về văn hóa.
Người Thái là văn hóa thung lũng, văn hóa lúa nước, họ thường sống dọc các sông, suối, nơi có nguồn nước dồi dào. Người Mông, Dao gắn với văn hóa đồi gò, văn hóa lúa nương. Nhà ở có 2 loại cơ bản là nhà sàn: các dân tộc tiêu biểu là Thái, Mường, Khơ mú, và nhà đất, các dân tộc tiêu biểu là: Kinh , Mông, Dao. (Theo tài liệu huyện Mộc châu 2002). Ở Tây Bắc, nhiều cộng đồng quần cư được gọi là Mường, như Sơn la là Mường La, Mường Lò, Mường Thèng, Mường Lay… Mường, Bản là tên gọi đơn vị hành chính và người Mol, Moan đã được gọi luôn là dân tộc Mường chứ thực tế không có người Mường. Trong Mường cũng có nhiều dân tộc khác như người Thái. Người Thái còn được gọi là Tày Khao (Thái Trắng), Tày Đăm (Thái Đen), Tày Mười, Tày Thanh (Man Thanh), Hàng Tổng (Tày Mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Họ đã có mặt ở miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm, là con cháu người Thái di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bây giờ.
Hoạt động thể thao (trail) trên đồi Trái tim
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thái ở Việt Nam có dân số 1.550.423 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Người Thái cư trú tập trung tại các tỉnh: Sơn La (Mường La) (572.441 người, chiếm 53,2% dân số toàn tỉnh và 36,9% tổng số người Thái tại Việt Nam)
Về cơ bản, vùng Tây Bắc là không gian văn hóa của dân tộc Thái, nổi tiếng với điệu múa xòe tiêu biểu là điệu múa xòe hoa rất nổi tiếng được nhiều người biết đến. Mường là dân tộc có dân số lớn nhất vùng. Ngoài ra, còn khoảng 20 dân tộc khác như H'Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng,... Ai đã từng qua Tây Bắc không thể quên được hình ảnh những cô gái Thái với những bộ váy áo thật rực rỡ đặc trưng cho Tây Bắc. tây bắc là vùng có sự phân bố dân cư theo độ cao rất rõ rệt: vùng rẻo cao (đỉnh núi) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, Tạng Miến, với phương thức lao động sản xuất chủ yếu là phát nương làm rẫy, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên; vùng rẻo giữa (sườn núi) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, phương thức lao động sản xuất chính là trồng lúa cạn, chăn nuôi gia súc và một số nghề thủ công; còn ở vùng thung lũng, chân núi là nơi sinh sống của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Thái - Kadai, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn để phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác. sự khác biệt về điều kiện sinh sống và phương thức lao động sản xuất cũng gây ra sự khác biệt văn hóa rất lớn! mặc dù văn hóa chủ thể và đặc trưng là văn hóa dân tộc Mường.
Đăng ký một giải chạy Ultra Marathon trail ở Mộc châu
Theo nhà văn Chu lai kể: “Trước khi được khai phá, Thảo Nguyên Mộc Châu bạt ngàn cỏ tranh, lau lách. Năm 1957, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm trung đoàn 280, Sư đoàn 335, Đại tướng đã cưỡi ngựa vào Bản Hoa, Ba Lay, từ đây Người cắm mốc, đánh dấu quy hoạch đất sản xuất cho Trung đoàn 280. Đến ngày 8/4/1958, Trung đoàn mở đợt công phá đầu tiên vào mặt trận sản xuất và cũng là Ngày thành lập Nông trường Mộc Châu. Thời kỳ đó, Trung đoàn có 11 đơn vị sản xuất với gần 1.700 cán bộ, chiến sỹ ở 36 tỉnh, thành trong cả nước đã được tập kết để nhận nhiệm vụ.”
Ta có thể thấy, từ khi người tứ xứ tới Mộc châu, tỷ lệ dân cư đã thay đổi, người Kinh tăng lên. Mức sống, cơ cấu kinh tế, văn hóa nhập cư mạnh hơn lấn át. Cơ cấu kinh tế cũng thay đổi. Nông trường mang hoạt động sản xuất mới từ Chè, Bò sữa, Nông nghiệp mới tác động trực tiếp tới tất cả các cộng đồng dân tộc địa phương. Pháp luật, cơ cấu xã hội, nhu cầu sống, canh tác thay đổi. Người dân bản địa thay cuộc sống hiện hữu bao đời bằng hòa nhập cuộc sống mới một cách cơ học. Từ trẻ đi học, lương thực bữa ăn, sinh hoạt văn hóa, nếp sống… bị tác động và biến đổi.
Đồi chè Phiêng Tiến
Di cư cơ học mang đến nhiều hệ lụy, mức sống, nhận thức và trình độ dân cũng thay đổi. Ngoài việc họ cũng tham gia nhân lực vào nông trường, vào hoạt động sản xuất của người Kinh. Họ cũng dần tự biến hoạt động sản xuất của chính họ thành vùng phát triển nguyên liệu cho người Kinh (Trồng chè, chăn nuôi bò sữa, trồng cánh đồng cỏ…). Trải suốt hơn 60 năm qua, các bản sắc dân tộc của địa phương phai nhạt dần.
Không thể so sánh với người Da Màu, Da Đỏ ở Mỹ như trên đề cập, tỷ lệ người dân tộc ở Mộc châu rất lớn và tập trung, thế nhưng, do nhu cầu cuộc sống, do kinh tế, do chính sách, do quản lý… đã làm phai nhạt từ chính trong lòng người dân. “Con cái nhà em có biết tiếng Thái không?” Tôi hỏi một phu nữ Thái Trắng về các con của cô. “Đứa lớn tự nó nghe hiểu, nói còn chưa tốt, đứa bé thì không biết.” Cô trả lời một cách tự nhiên. Gia đình cô ở 3 thế hệ, có bố mẹ người Thái, bà còn răng đen hạt nhót xưa. Chồng cũng là người Thái và các con. Không có chương trình hay ý thức nào việc phải dạy tiếng mẹ đẻ cho thế hệ sau, chúng tự nhiên hình thành và tự nhiên biết trong sinh hoạt.
Không giống xưa kia, cuộc sống của họ trong Mường, thuần là người cùng dân tộc, mọi hoạt động xã hội là cộng đồng với nhau. Nhưng nay, xã hội hiện đại, đa số theo thực tại mà người Kinh, người nhập cư mang tới. Trẻ đi học trường ngoài phố, quán xá hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt, hát hò, phương tiện sản xuất… là từ ngoại lai mang tới, ngày càng ít không gian, thời gian dành cho các sinh hoạt xã hội của dân tộc mình. Và điều tất yếu, mai một bản sắc ngày càng rõ. Chưa nói tới các hoạt động văn hóa như âm nhạc, nhảy múa, dệt vải,… của dân tộc, lối sống thường nhật đã làm thay đổi cả ý thức, nhận thức dần dần trong dân. Người Thái là một trong 3 dân tộc đông nhất Việt nam, họ cũng là dân tộc có chữ viết từ rất sớm nên lưu trữ, ghi chép được nhiều lịch sử, văn hóa riêng của mình. Việc duy trì và phát triển bản sắc là điều cần và nên làm ngay từ bây giờ.
Mộc châu, địa danh đang nổi lên trên bản đồ du lịch. Nổi lên không chỉ cảnh quan, khí hậu cũng như vùng chè nguyên liệu, các nông trường bò sữa hay rau củ quả đa dạng, mà còn chính là bởi đa sắc của nhiều dân tộc bản địa, nhất là dân tộc Thái. Xã hội thay đổi, phát triển, không thể đòi hỏi mỗi người dân phải sống như tổ tiên họ sống thì mới là giữ gìn bản sắc. Cuộc sống hiện đại xâm nhập vào từng ngõ ngách, từng cơ thể, không thể đòi hỏi họ giữ nguyên cho khách. Tuy nhiên, phát triển kinh tế có nhiều cách, trong đó Công nghiệp du lịch cũng là làm kinh tế, du lịch văn hóa vừa giúp làm kinh tế, vừa giúp bảo tồn và phát triển văn hóa của mỗi dân tộc. Chúng ta, mỗi người khách du lịch, hay mỗi nhà đầu tư tới đây, hãy cùng giúp duy trì và phát triển bản sắc, thay vì thôn tính, chiếm hữu một cách ồ ạt, biến những người dân bản địa chỉ còn là người dân tộc trên lý lịch, biến núi rừng, sông suối chỉ còn trên sổ sách và biến văn hóa dân tộc chỉ còn trong ký ức…