NHỮNG CÂU CHUYỆN

LẢO THẨN VÀ KINH TẾ VÙNG

LẢO THẨN VÀ KINH TẾ VÙNG

Đặng Vân Phúc

Lảo thẩn 09/02/2022

Lên Y tý khá nhiều lần nhưng tôi chưa lên Lảo Thẩn lần nào. Đi thường nhắm hai mùa. Mùa nước đổ và mùa lúa vàng. Cũng đi nhiều điểm khác ở đây như nhà Trình tường của đồng bào Hà nhì. Lên Ngải thầu, Kê gà, Thiên sinh,... về Mường Hum.

Lần này cậu em rủ đi "săn mây". Thực ra thì cả hai năm ảnh hưởng Covid với nhiều lần dãn cách, cứ có cơ hội mà đi được khỏi thành phố là đi thôi, cần gì phải mùa nào? Như những năm trước, thời gian này người ta đi lên núi kiếm cành đào, mận về chuẩn bị Tết và rồi sau đó là các chuyến du Xuân. Mùa lạnh năm nay thì không mấy ai đi chỉ còn các nhóm nhỏ đi chụp ảnh và leo núi.

Nghỉ chân trên đường lên Lảo Thẩn

Nhớ lần trước lên ở nhà nghỉ của A Hờ và câu chuyện, Chuyện tình Mường hum, khi lên Lảo thẩn cũng có dịch vụ lán trại và phục vụ của anh em nhà A Hờ. "Lần này dịch vụ nhà khác anh ạ, cũng liên quan gì đó nhà A Hờ, tuy nhiên sẽ có lán riêng chỉ 6 anh em, hướng dẫn là A Kim." Cậu em Tuấn, setup chuyến đi nói.

Xuất phát từ Hà nội 7 giờ sáng, lên Lào cai ăn trưa. Một chuyện lạ là tìm địa điểm theo GPS bị loạn xị, không chính xác khi ở thành phố Lào cai, chạy lòng vòng, nhầm đường, rồi phải hỏi dân mới đi được. Lên Trịnh tường, dự định tham quan mấy nhà Trình tường mái cỏ người Hà nhì, nhưng khi đi qua thì mù mịt sương, không thấy đường luôn nên bỏ qua, chạy thẳng lên Y tý. Tới nhà nghỉ hơn 5 giờ chiều! Tối cả đội tự nướng babercu ăn tối, vừa tiêm mũi ba hôm qua nên không dám uống.

A Hờ và tác giả trên đỉnh Lảo Thẩn

Lảo thẩn, không quá cao, quá khó đi. Xe đưa tận chân núi, nhóm A Kim gùi đồ và chuẩn bị đồ ăn. Tôi tự mang ba lô đồ, chân máy và máy để leo. Nhóm có anh Hà nhiều tuổi, mấy thanh niên tuy ít vận động nhưng khá khoẻ để leo. Tự nghĩ khi A Kim nói: "Leo từ giờ 11:00 sáng,tầm 4 giờ tới lán." Sao mà quá lâu khi chỉ gần 8 km thôi? Độ dốc không cao quá. Thế rồi đi thở hổn hển leo mới thấy thật. Thường leo chắc 1 giờ 30 phút là đến so với chạy VMM. Nhưng trời lạnh, sương ẩm vào phổi, tiêm mới sốt đêm trước, thành ra chả khác gì mọi người.

Lên núi, hai bên trọc lốc là nương rẫy của người H Mông. Bên dưới là ruộng khô gốc rạ vì chưa tới mùa nước. Lác đác ruộng trồng màu, cải bắp hay rau khác nhưng chắc nhu cầu không nhiều nên chẳng ai trồng. Đường đi thành lối mòn vài năm nay do dân phượt, chụp ảnh và thanh niên đi du lịch, dù gì nó cũng là núi cao dễ đi nhất. Lên cao, đất tơi xốp, người dân đang cuốc thủ công, cào rễ cây cỏ chuẩn bị nương. "Họ trồng gì vậy?" Tôi hơi A Kim. "Xuyên khung chú ạ." A Kim đáp.

Trên đường lên Lảo Thẩn

A Kim, một thanh niên 25 tuổi, vợ hai con. "Đẻ nữa không?" Tôi hỏi. "Không. Cháu chỉ hai thôi." A Kim trả lời ngay không đắn đo. Là trai út người H'Mông, được đi học đến trung cấp nghề ở Hà nội, nhanh nhẹn và khéo léo, rất biết cách chiều khách và tiếp chuyện. Đi nhiều nên biết nhiều, tự lo cuộc sống. "Khi cưới, bên vợ cho cháu một con Wave thôi. Cháu giờ vẫn ở cùng bố mẹ đẻ vì các anh chị ở riêng cả."

Leo lên cao, nhiều khu rừng thưa với nhiều cây cổ thụ, các nhóm có một điểm dừng chân ăn trưa khoảng 12 giờ trưa để bắt đầu leo dốc cao. Ăn nhẹ cơm lam và giò. "Leo sẽ gắt hơn, mọi người nên ăn lấy sức." A Kim dặn dò. Cậu ta và một thanh niên nữa, A Lừ, tuy 28 tuổi nhưng gọi A Kim bằng cậu. Khoẻ nhưng ít nói, hai đứa gừi cỡ 35 kg mỗi đứa mà vừa đi vừa chờ nhóm thanh niên. Ngày cuối tuần nên khá đông khách leo. "Mỗi lán bao nhiêu người ngủ thế?" Tôi hỏi A Kim. "Lán mình chỉ nhóm chú thôi, cháu thuê lán làm nương của dân, giờ thành lán du lịch. Lán nhà A Hờ có lúc 300 người nằm ngủ."

Lên núi trong đêm

Mấy năm trước, khi nhóm Hùng Lekima lên chẳng mấy khách, mà như hôm nay chũng cả trăm người trong 1 lám. "Dịch Covid lượng khách như này là đông đấy chú." A Kim tâm sự. Leo Lảo thẩn chỉ mùa Đông thôi, trời khô, có mây đẹp cho chụp ảnh và lạnh dễ leo. Mùa Hạ nóng và mưa không có mây, chẳng ai lên. Tuy nhiên, Y tý thì nhều hấp dẫn khác cho dân phượt, chụp ảnh và du lịch. Như mùa nuóc đổ, mùa vàng, mùa Xuân, cung đường phượt...

Qua khu rừng cây sau con dốc gắt và dài, mở ra khoảng trống rất nhiều đồi núi trọc, dân đốt làm nương vẫn đang bốc khói. Rất nhiều cây cổ thụ cháy đen trơ trọi giữa không gian. "Đây là những gì sót lại của rừng già." A Kim nói khi tôi chỉ những thân cây khổng lồ 5-6 người ôm nằm dưới đất hay thẳng đứng giữa nương rẫy. "Từ khi cháu bé lên đây đến giờ nó vẫn thế. Cây như này cỡ vài trăm đến ngàn tuổi, bị đốn hạ vài chục năm hay cả trăm năm rồi. Từ bố cháu kể đã thế." A Kim nói về cây cháy "mỗi năm làm rẫy, dân đốt cỏ cháy thân cây chắc một vài phân gỗ rồi nó cứ nằm đấy." Chỉ vào các lán trông nương rẫy bằng gỗ, A Kim thêm: "Gỗ ván làm lán là xẻ từ thân cây đổ từ xa xưa đây." Nhìn một cây đường kính lõi cháy còn lại cỡ 2 mét, dài 20-30 mét, thì vô khối gỗ làm lán. Ngoài ra, vô số gốc cây trơ lũa rất đẹp nữa. "Không ai được mang ra đâu chú. Bị bắt ngay." A Kim cảnh báo.

Trên núi sáng sớm

Với nhu cầu con người, rừng đại ngàn trên núi cao gần 3 ngàn mét, đường khó đi vậy mà đã bị khai thác sạch bách như này. "Xuyên khung dân trồng làm gì thế?" Tôi hỏi tiếp khi cả nhóm tới lán nghỉ lúc hơn 2 giờ chiều. Leo chỉ 6,5 km mà tốc độ cỡ 30 phút/1km. Từ lán còn khoảng 1 tiếng leo con dốc cuối lên đỉnh núi, sáng mai 4 giờ dậy đi. A Km đang bắc bếp, thịt gà, quay sang trả lời: "cháu không rõ, nhưng người thu mua là Việt Nam, có lẽ gom cho Trung quốc?" Cậu A Lừ nghe rồi góp chuyện: "Cái cây cô đơn bị chật ấy chú, nó gần rẫy xuyên khung nhà kia, họ chặt lấy củi sấy đấy, bị phạt 10 triệu!" Chưa chắc là lý do đúng, tuy nhiên, từng cây, từng cây hiếm hoi bị chặt khỏi núi đồi này...

"Từ khi cấm biên hai năm nay vì Covid, dân ít việc chú ạ. A Lừ trước hay sang bên kia làm thuê, nay ở nhà đi phụ cho cháu." A Kim kể về A Lừ, thanh niên đã có 3 con. Đi làm thuê bên Trung quốc các việc từ chăm sóc và khai thác mía, ngô hay thợ xây dựng. "Lương cao hơn bên ta nhiều chú ạ. Thợ công trình 300 Tệ/ ngày" A Kim kể, nghĩa là khoảng 1 triệu đồng/ngày công! Tháng A Lừ kiếm 25 triệu trung bình. Nông thôn Trung quốc giờ ít thanh niên, họ lên thành phố cả, do đó đông dân lại thiếu lao động. Các việc lao động chân tay lại thuê rất nhiều từ các tỉnh biên giới Việt Nam!

Không chỉ lao động hai bên sang nhau làm việc, giao thương, buôn lậu dọc biên khá mạnh. "Giờ vừa bị cấm biên là luật, vừa bị tường xây kiên cố cao cùng rào thép gai dọc biên giới, không thể thâm nhập" A Kim kể về tường xây biên giới. Lúc này tôi mới chú ý, đi từ Lào cai lên Y tý, dọc sông bờ bên Trung quốc, tướng xây mới cao hơn chục mét sừng sững ngăn cách. Nghe nói, cả Miến điện và Việt Nam, biên giới gần 3000 km Trung quốc xây tường kín. Cả chuyện họ xây, Việt Nam cũng xây thì họ ném đá không cho xây

"Trước bọn cháu hay qua cầu Thiên sinh đi chợ bên kia, giờ khó lắm. Lính nó gặp bắt được nó phạt: nếu mua thuốc lá, hút hết rồi về, nó nhét chục điếu vào mồm. Mua chuối, ăn hét mới cho về. Kẹo cũng thế. Nếu không thể, bắt đánh nhau. Tự đánh lẫn nhau, nếu không đau nó mới đánh đứa đánh!" A Kim kể, nói thêm " tuy nhiên dân họ lại khác, rất tốt chú ạ, nhiều nhà là họ hàng hai bên." Với bức tường mới này, chắc sẽ nhiều chuyện mới chưa biết sẽ diễn ra...

Đi dọc sông, từ Lào cai lên, bạt ngàn chuối, buồng chuối bọc cẩn thận. "Chuối của Trung quốc đấy chú, nhà A Lừ cũng có nương chuối Trung quốc. A Kim chia sẻ làm tôi nhớ chuyến đi mấy năm trước. Các doanh nghiệp bên Trung quốc phát triển vùng nguyên liệu bên Việt Nam, họ đầu tư cây giống, chăm bón và lo thu mua đầu ra. Dân Việt Nam có nương rẫy tự biến thanh vùng nguyên liệu cho họ.

Khi không có du lịch, dân làm gì khác? A Kim kể khi tôi hỏi: "chẳng có gì nhiều, người làm du lịch đếm trên đầu ngón tay, dân vẫn làm nương rẫy thôi, trước Trâu bò làm cùng, nay có máy móc vùng thấp, vùng cao vẫn bằng tay." Tôi hỏi " thế trâu chắc rẻ?" A Kim đáp " giờ rẻ vì cấm biên, ta ít nhu cầu, Trung quốc mua đắt lắm, nhà nào nhiều trâu bò dê thì giàu lắm." Một nền kinh tế phụ thuộc quá sâu vào bên kia biên giới, chính sách phát triển bên Việt Nam còn chưa đáp ứng nhu cầu và cân bằng duy trì hiện trạng bản sắc riêng. Không cưỡng bức dồn ấp như bên kia...

Bữa tối lẩu gà bếp gaz và soi sáng bằng đèn pin. Tôi chạy lên đỉnh núi trước xem Hoàng hôn, gặp A Hờ cùng khách cũng là nhóm chạy bộ Hồ Tây. Kịp gửi link bài "chuyện tính Mường hum" mà A Hờ là nhân vật của tôi. Chạy về cùng bữa tối với nhóm. Trời mây tuyệt đẹp. Kip chụp ảnh các điểm hot trước khi trời tối. Mới 6 giờ tối lạnh, gió hút buốt luồn qua kẽ ván lán, không ai muốn ra ngoài.

4:00 sáng Chủ nhật, A Kim gọi cả nhóm dậy, đã chuẩn bị cháo gà. "Ăn cháo ấm dễ leo hơn." Cậu ta giới thiệu. Trời lạnh, lúc mù, lúc trăng sao sáng rực. "Chỉ còn một con dốc cuối nhé, 700 mét lên đến độ cao 2860 mét." Tôi nói và bắt đầu giục mọi người xuất phát lúc 5 giờ. Sương lạnh, gió mạnh, ra đường chính một dòng người đèn sáng từ các lán đổ ra. Có cả các em bé chưa đi học và cấp một. Leo gần tới bị lạnh phải cõng rất nguy hiểm.

Lên đỉnh núi 6 giờ, chờ tận 7:15 không có mặt trời, chỉ lộ ra 1-2 chục giáy. "Hôm nay xịt rồi, ra chụp ảnh check in rồi về thôi chú" A kim gọi mọi người. Không gặp may, nhiều người cũng vài ba lần lên mới có ảnh đẹp. "Thôi về." Tôi gọi mọi người. Lúc này trên đỉnh cả trăm người đang ồ à như chưa từng thấy mặt trời mỗi khi sương lộ ra. Đường xuống trời sáng nên dừng chụp ảnh nhiều chỗ dù lạnh buốt hai tay.

Về lán dọn dẹp, ăn sáng và xuống núi. Mất 1 tiếng xuống chân núi kết thúc chuyến đi. Chia tay A Kim, hẹn tháng tư Mùa Nước đổ sẽ quay lại...

Một chuyến vượt giới hạn bản thân, bác cả Hà tuổi cao sức dẻo đu theo đám trẻ thành công. Linh béo tưởng chừng không thể leo cũng cán đich và lập kế hoạch luyện tập tiếp. Tuấn, Dũng và Hoàn hào hứng sẽ chăm tập thời gian tới. Sức khoẻ là thứ tự thân, không ai cho và mua không có!

#nhungchuyendidvp


Tin liên quan