Huy Toàn

KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: CÁC HỌA SĨ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

LÊ VINH - Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. 1957. Lụa

Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 50 năm, chúng ta không quên sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, các quân binh chủng như bộ binh, pháo binh, công binh, phòng không, thông tin, hậu cần, các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến..., tất cả đã quên mình chiến đấu hy sinh vì dân vì nước. Tuy nhiên, tại chiến trường Điện Biên Phủ còn có sự đóng góp của "Binh chủng văn nghệ" trong đó có nhiều chiến sĩ - hoạ sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch trên cương vị là cán bộ, chiến sĩ, hoạ sĩ trong các đại đoàn chủ lực, trong các đoàn văn hoá đi chiến dịch. Họ không những đã chiến đấu bằng vũ khí mà họ còn là những chiến sĩ sử dụng các vũ khí "đặc chủng" như cây bút sắt, bút chì, bút lông, màu nước, bột màu, sơn... để làm nên những tác phẩm phục vụ trực tiếp các chiến sĩ ngoài mặt trận, góp phần nhỏ của mình vào chiến công chung. Ta có thể kể tới các hoạ sĩ như Mai Văn Hiến ở Bộ Tư lệnh mặt trận; Nguyễn Bích ở Báo Quân đội Nhân dân tiền phương, Huy Toàn, Nguyễn Thụ ở Đại đoàn 312; Phạm Thanh Tâm ở Đại đoàn 351; Nguyễn Sáng đi cùng với Đại đoàn 316; Phạm Hảo làm việc ở Báo Vui sống, đi theo Cục quân y, Sĩ Tốt chiến sĩ đồ bản ở Đại đoàn 316; Trần Việt Sơn chiến sĩ xạ thủ cối 81 trung đoàn 176, đại đoàn 316; Lương Quý chiến sĩ ở E77 huấn luyện tân binh chuyển đạn ra mặt trận; Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân công tác ở Cục địch vận tham gia giải tù binh, làm phiên dịch. Phan Thanh Bồng ở đơn vị chiến đấu. Một số hoạ sĩ khác đi theo dân công hoả tuyến như Văn Giáo, Đặng Đức; Trần Lưu Hậu, Ngô Tôn Đệ công tác ở Hội đồng cung cấp mặt trận; Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc ở đèo Lũng Lô.

Học sinh vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật Kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc như Ngô Mạnh Lân, Nguyễn Thế Vị, Lê Huy Hoà được phân công vào quân đội để vừa phục vụ vừa tiếp tục rèn luyện sáng tác, mỗi người được biên chế vào một tiểu đội trong cùng một Đại đội của Trung đoàn Thủ đô đóng quân ở chân đèo Khế Thái Nguyên (Trung đoàn 102, Đại đoàn 316). Hoạ sĩ Ngọc Linh đi cùng đoàn văn công Tây Bắc;

Nhiều hoạ sĩ ở hậu phương như Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận... cũng tham gia sáng tác phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên đã hình thành một đội quân mỹ thuật có mặt trên khắp các tuyến phục vụ chiến dịch. 

 



DƯƠNG HƯỚNG MINH - Tô Vĩnh Diện chèn pháo. 1960. Sơn mài. 150x115cm (Sưu tập Bảo tàng MTVN)


Nhiều hoạ sĩ đã vẽ tranh địch vận, truyền đơn bướm để tung vào các vị trí của địch. Các hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm, Huy Toàn, vẽ tranh, minh hoạ trên báo của Đại đoàn 351, 312. Nguyễn Bích vẽ tranh trên báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận. Các bức tranh minh hoạ trên báo đã được chiến sĩ ta cắt dán trên các hầm pháo, hầm trú ẩn. Cũng tại mặt trận, các hoạ sĩ đã ghi chép được nhiều ký hoạ bằng bút sắt, thuốc nước vẽ tranh bằng bột mầu, tranh cổ động.

Hoạ sĩ Nguyễn Bích đã có các bức tranh cổ động được khắc và in kịp thời gửi đến chiến sĩ như: Nêu cao quyết tâm đánh chắc tiến chắc tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Quyết tâm liên tục chiến đấu, với mọi khó khăn gian khổ để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ vào dịp ta vừa kết thúc đợt hai tấn công Điện Biên Phủ tiêu diệt 5000 quân địch và 50 máy bay, phá huỷ 7 kho đạn, 5 xe tăng; Lưu Công Nhân, Đào Đức vẽ về dân công, bộ đội; Ngô Tôn Đệ vẽ về chiến sĩ lái xe phá bom nổ chậm, tiếp tế lương thực; Ngô Minh Cầu vẽ về xây dựng cầu đường; Nguyễn Trọng Kiệm vẽ về Đoan Hùng; Ngô Mạnh Lân vẽ về sinh hoạt bộ đội ở Điện Biên. Phạm Hảo vẽ tranh tuyên truyền phòng dịch phục vụ bộ đội và gửi vào cả các đồn địch. Nhiều tác phẩm của họ đã được trưng bày ngay tại mặt trận phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ, dân công hoả tuyến, và nhân dân ở trong vùng.

Đặc biệt sau khi ta nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam và cứ điểm Độc Lập, ngày 16 tháng 3 năm 1954 hoạ sĩ Mai Văn Hiến được giao nhiệm vụ vẽ bức tranh lớn để kêu gọi quân địch tại cứ điểm Bản Kéo đầu hàng. Trong điều kiện ở mặt trận không nguyên vật liệu để vẽ, hoạ sĩ đã phải đi tìm xưởng in để xin được giấy báo cỡ bằng nửa tờ báo quân đội, màu sơn cặn của nhà in cùng dầu hoả để làm nguyên liệu vẽ. Các tờ giấy đã được dán nối với nhau bằng cơm nếp nghiền, trải trên mặt đất phẳng do bộ đội làm giúp, phải dùng tre và phên để làm chỗ cho hoạ sĩ ngồi vẽ, bút vẽ được làm từ cọng chuối. Trong một ngày bức tranh lớn đã hoàn thành với diện tích tới 20m2 (4 x 5m). Bức tranh này đã được các chiến sĩ quân báo mặt trận đưa vào sát đồn Bản Kéo và dựng lên trước lúc bình minh. Để làm việc này ngay từ tối hôm trước các chiến sĩ quân báo đã phải dựng sẵn các cây tre làm dàn giáo. Bức tranh vẽ hình người phụ nữ đang ôm con nhỏ và có dòng chữ kêu gọi binh lính địch bỏ vũ khí trở về với gia đình. Bức tranh đã góp phần cùng với bộ đội vây lấn ép cả một tiểu đoàn nguỵ quân người Thái và binh lính Pháp ra đầu hàng. Trước đó hoạ sĩ Huy Toàn cũng vẽ ở trong hầm một. Bức tranh địch vận trên vải dù trắng có diện tích 2m2 cũng được dựng ở đồn Bản Kéo kêu gọi địch đầu hàng nhưng đã bị bọn chúng bắn tan mất. 

 



NGUYỄN SÁNG - Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. Sơn mài


Vào giữa đợt công kích giai đoạn 2, hoạ sĩ Nguyễn Bích và hoạ sĩ Mai Văn Hiến được giao nhiệm vụ sáng tác Huy hiệu Điện Biên Phủ để làm quà của Bác Hồ tặng tất cả các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai hoạ sĩ đã trao đồi và vẽ nhiều phác thảo, cuối cùng hoạ sĩ Nguyễn Bích thể hiện thành bản chính và được cấp trên chấp nhận. Huy hiệu đã được làm tại Trung Quốc. Cuối chiến dịch hai hoạ sĩ đã được gọi về căn cứ ATK để làm triển lãm mừng chiến thắng, hoạ sĩ Mai Văn Hiến phóng to huy hiệu này đặt ở gian trưng bày chính mang tên Chiến thắng. Hoạ sĩ Nguyễn Bích đã sáng tác bức tranh cổ động Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã toàn thắng được in và phát hành rộng rãi. Bộ ký hoạ về Điện Biên của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân - người đã hy sinh ngay ở chân đèo Lũng Lô khi chiến dịch vừa kết thúc đã là một bộ ký hoạ tuyệt vời, một số tác phẩm được nhiều người nhớ tới như Hành quân qua suối - chì (36 x 51cm); Đèo Lũng Lô - màu nước (50 x 38cm) ... một phần trong số đó đã được tặng giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 1954 tại Thủ đô Hà Nội.

Các họa sĩ đi kháng chiến chống Pháp đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đã sáng tác từ truyền đơn, minh hoạ báo, tranh địch vận, tranh ký hoạ, tranh cổ động họ đã góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Những ký hoạ và vốn sống từ chiến dịch Điện Biên Phủ mang lại cho các họa sĩ nguồn cảm hứng sáng tác nên những tác phẩm nồi tiếng tham dự các TLMTTQ sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc.

 

 

Khánh Phương

Nguồn : http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/2014/6/4177.html 


Tin liên quan