Huy Toàn

Người kể chuyện Điện Biên Phủ bằng tranh

"Ký ức Điện Biên" - Huy Toàn.

Cùng các văn nghệ sĩ nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, nhà văn Nam Cao..., ông có mặt ở các chiến dịch Sông Lô, Biên giới, và đặc biệt là chiến dịch làm chấn động địa cầu Điện Biên Phủ - chiến thắng lẫy lừng năm châu. Ở chiến dịch này, ông tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra trong suốt 56 ngày đêm của quân và dân ta chiến thắng giòn giã thực dân Pháp. Hình ảnh: áo trấn thủ, mũ nan tre, những đoàn xe đạp thồ vũ khí, lương thực, thực phẩm, đoàn dân công hỏa tuyến mở đường cho xe pháo ra trận... Rồi hình ảnh những người thiếu phụ vắt sữa của mình để cứu chữa thương binh. Những cứ điểm tác chiến đã đi vào lịch sử: Him Lam, Pha Đin, Bản Kéo, Đồi A1, Đồi C1, Đồi hầm Đờ Cát...

Qua góc nhìn, Huy Toàn đã kịp thời ghi, ký họa, vẽ lại một cách tương đối đầy đủ về một thời khắc lịch sử dân tộc. "Với niềm ước mơ sau này biến chúng thành tranh, giúp cho thế hệ trẻ một cái nhìn chân thực về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc".

Nhân 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1984), họa sĩ Huy Toàn được giao nhiệm vụ thiết kế bộ tem kỷ niệm. Ký ức trong ông dội về, hình ảnh đồng đội ở Sư đoàn 312 đánh chiếm hầm Đờ Cát trong trận cuối hiện lên, ngược dòng thời gian là các trận đánh vào đồi A1, Him Lam... Rồi những ngày họa sĩ luôn theo sát từng chiến thắng của chiến dịch. Chỉ một thời gian, ông đã hoàn thành bộ tem gồm bảy chiếc (Họp Bộ Chính trị, Hành quân ra trận, Dân công hỏa tuyến, Kéo pháo, Bắn rơi máy bay địch, Đánh chiếm cứ điểm). Ngoài những chiếc kinh điển "Họp Bộ Chính trị", "Trên hầm Đờ Cát" được lấy từ nguyên mẫu ảnh chụp, còn các tem khác ông đã tái hiện lại, chứng kiến và phác họa ở sổ tay. Tem "Kéo pháo" lấy mẫu từ những bản phác thảo của ông nay được trưng bày ở Viện bảo tàng Lịch sử Quân đội. Với những con tem nhỏ và những bức ký họa, họa sĩ Huy Toàn đã nâng chúng lên thành những bức hoành tráng dài 8m: "Lịch sử Điện Biên Phủ", "Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam" và nhất là tác phẩm bốn bức tranh mang tên "Việt Nam anh hùng ca", ở phần 3, với tiêu đề "Thắng hai đế quốc to". Đây là một trường ca bằng hình sắc, thể hiện một cách điêu luyện cho sức làm việc miệt mài, nhiệt tình sáng tạo. Với bộ tranh này, ông được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá có "một sức làm việc phi thường".

Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Huy Toàn có dịp trưng bày trước công chúng 150 bức tranh. Từ trận quyết chiến cuối cùng trên đồi A1, pháo ta dội xuống đồi Him Lam, Phan Đình Giót, các nữ dân quân, mẹ già may áo, thiếu nữ Điện Biên... Ông làm người xem xúc động khi thấy được hình ảnh quân và dân góp sức làm nên chiến thắng kỳ diệu này. Sức tưởng tượng tạo cho Huy Toàn ưu thế thể hiện giản dị ký họa, làm cho tranh của ông rất gần với hiện thực. Chúng cuốn hút người xem bởi cái nhìn trận chiến của người trong cuộc. Đến nỗi, họa sĩ Lê Lam phải thốt lên: "Không có trái tim nóng bỏng với non sông đất nước thì sao vẽ được thế này. Không có một tâm hồn Việt Nam, một tình yêu da diết với xứ sở quê hương thì sao vẽ được như thế này". Còn ông Phạm Quang Nghị - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin sau khi xem, ghi cảm tưởng: "Xúc động và tự hào về thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta được thể hiện trên từng nét vẽ của một họa sĩ đầy tài năng và tâm huyết".

Cũng dịp đó, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi cuốn truyện tranh lịch sử "Kể chuyện Điện Biên Phủ" với 50 bức tranh tái hiện diễn biến chiến dịch của họa sĩ Huy Toàn. Những hình vẽ này giúp các em hiểu hơn về truyền thống của cha ông. Cái cách này mới đồng điệu với tuổi thơ và "đề kháng" được những chuyện "đấm đá" vô thưởng vô phạt. Cuốn truyện tranh ra đời được đông đảo bạn nhỏ mến mộ, yêu thích. Nhà xuất bản phải tái bản mới đáp ứng đủ nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi.

Tại nhà riêng, trong khu tập thể Bộ Văn hóa ở Vân Hồ, giữa bộn bề tranh và tranh, ông phấn khởi khoe với tôi mới hoàn thành một bức tranh hoành tráng dài 35m về Chiến dịch Hồ Chí Minh được trình bày tại Viện bảo tàng lịch sử Quân sự. Ông đang tiếp tục phác thảo để vẽ tranh nhân dịp Quốc khánh 2-9, Hà Nội - 1000 năm Thăng Long... Ở tuổi 75, đại tá, họa sĩ Huy Toàn đang vật lộn với tuổi già để hoàn thành những dự định còn dang dở của mình. Để có được những bức tranh hoành tráng, quy mô bắt nguồn từ hàng chồng sổ nhật ký đã bạc màu thời gian, gần 50 năm chi chít những hình ảnh, nét bút mà ông lưu giữ, khiến người ta lý giải được sự hoành tráng qua từng nét vẽ của họa sĩ Huy Toàn kia bắt nguồn từ đâu. Bất cứ một sự kiện nào về chiến tranh, kể cả những cuộc vây ráp nhỏ, đánh du kích, tiêu diệt đồn địch đều được ký họa trong cuốn nhật ký của ông.

Ông How Ta Tua Keng, nhà sưu tầm mỹ thuật người Hồng Công nhận xét: "Tranh anh hùng ca của Huy Toàn về những nhân vật của chiến trường, cùng với tranh phong cảnh, ký họa... cho thấy khả năng dồi dào của ông... Ông vẽ bằng những nét vẽ khỏe khoắn, tỉ mỉ, với những chuỗi cảm xúc không ngừng tuôn chảy. Những con người và sự kiện về đề tài chiến tranh được ông mô tả một cách sinh động, biểu lộ xúc động mạnh mẽ, đời sống tình cảm của Huy Toàn rất phong phú nhưng cũng rất riêng biệt và quan điểm đạo lý được diễn tả tài tình bằng những bức tranh đơn giản một cách kinh ngạc nhưng lại đầy quyến rũ".

Đó là nhận xét và cũng là sự đánh giá thỏa đáng, công bằng với tranh của người họa sĩ tài hoa này.

Giáo dục và thời đại

Nguồn : http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/1999502-.html

 


Tin liên quan