Tin Nghệ Thuật Việt Nam

PHẠM VIẾT HỒNG LAM – SỰ TRẺ TRUNG CỦA MÀU SẮC

PHẠM VIẾT HỒNG LAM – SỰ TRẺ TRUNG CỦA MÀU SẮC

Xem tranh của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, cảm nhận đầu tiên của tôi chắc cũng như mọi người là sự rực rỡ sắc màu. Họa sĩ có cách sử dụng chất liệu, phối màu cùng các mảng khối tạo hình cho tác phẩm rất riêng, cho dù nội dung có thể là phong cảnh từ ngõ xóm, vườn cây, con gà, cây rơm, cảnh sinh hoạt nông thôn, đôi lứa, mẫu tử hay làm đồng đến những tác phẩm nude rồi trong loạt các tác phẩm chân dung nghệ sĩ. Chất liệu, cũng khác lạ, sáng tạo mới của ông rất khác mà sau đó đã thành trào lưu cho nhiều người. Từ bột màu trên giấy, “tắm tranh”, cắt giấy, “điêu khắc giấy”, xé giấy, rồi vẽ bột màu trên giấy dó và cả lụa, sơn mài, ông đều đã trải nghiệm qua.

Họa sĩ Trịnh Minh Sơn, biên tập sách, Họa sĩ Trịnh Sinh Nha, giám tuyển tranh và Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam trong buổi làm việc chuẩn bị triển lãm

Tôi được nghe họa sĩ kể nhiều về cuộc đời rất thăng trầm của ông, đầy chông gai, trắc trở từ khi đi học, đi bộ đội, làm nghề, rồi học về hội họa và thành họa sĩ, thành nhà giáo ngành mỹ thuật tiếp bước cha. Thăng trầm không chỉ công việc, mà chính sức khỏe bản thân ông, nhiều lần bước qua cửa tử. Bị thương trong chiến tranh mấy lần, thương binh ¾ nằm các viện điều dưỡng nhiều năm, chuyển khắp nơi. Bị điếc không giao tiếp được, rồi đến khi nhờ máy trợ thính cùng sự động viên của người cha, người thầy họa sĩ Phạm Viết Song, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam đã đi học trường Mỹ thuật. Quá trình học hội họa cũng gian nan đủ thứ, thậm chí khi vào trường “là nhờ mác thương binh” như ông kể. Khi ra trường đỗ vớt cũng bởi cá tính mạnh mẽ. Gần 30 năm nay, ông còn bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh ông có người bạn đời, luôn động viên, khuyến khích và giúp đỡ ông, họa sĩ, nhà giáo Tạ Phương Thảo,  và ông vẫn vẽ, các tác phẩm sắc màu tươi tắn ẩn dấu những thăng trầm. Cuộc đời là vậy, tranh của ông đem đến cho người xem cảm giác bình dị, thân quen, dễ chịu. Như họa sĩ Henry Matisse nói: “Nghệ thuật là thuần khiết, trong sáng, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người xem. Không nên làm những chủ đề bắt người xem lo sợ.

Vườn quê. Bột màu trên giấy dó

Tôi đến thăm ông thường mỗi năm chỉ một hay hai lần. Trong đó có các dịp cuối năm, nếu chưa thấy chúng tôi đến, ông hoặc họa sĩ Tạ Phương Thảo sẽ gọi nhắn, “Đến lấy tranh con giáp năm nay nhé.” Phải đến hơn 20 năm nay, năm nào ông cũng vẽ hàng chục bức tranh các con giáp tặng bạn bè. Ông vẽ rất nhiều nhưng người đến lấy cũng rất đông. “Nhiều người đến còn xin hộ nữa, “Đến nhanh không họ lấy hết.” ông phải nói thêm qua điện thoại. Thực sự thấy họa sĩ tặng tranh mà vui. Nhiều họa sĩ khác cũng vẽ tranh con giáp chơi Tết, họ vẽ nhiều, có thể để bán, tặng hay lưu niệm, nhưng được bạn bè quý mến đến xin nhiều như ông thì ít người lắm. “Có cả Ủy viên TW, Chủ tịch QH cũng thích tranh con giáp của tôi, họ đã có đến lượt thứ hai rồi.” Ông vui vẻ kể. Lượt thứ hai nghĩa là đã có hơn 12 con giáp đã qua.

Phong cảnh sinh hoạt: Bột màu trên giấy do

Mỗi lần đến, được họa sĩ kể chuyện, kể những giai đoạn của cuộc đời của ông đã qua, những trải nghiệm, ảnh hưởng tới sáng tác. Tuổi thơ ông lớn trong môi trường hội họa của nhà giáo, họa sĩ Phạm Viết Song, từ các học viên, các lớp vẽ, và cha ông đã cho ông một nghề vẽ, tuy nhiên, ông lại ít bị ảnh hưởng từ người cha, “Tôi là con và cụ Song đã cho tôi một nghề để sống, nhưng tôi không ảnh hưởng nhiều hội họa từ ông. Thực sự thì tôi lại ảnh hưởng từ bố vợ, họa sĩ Tạ Thúc Bình, để hình thành một Phạm Viết Hồng Lam.” Ông chia sẻ.

Xóm quê. Bột màu trên giấy dó

Nghề mà họa sĩ nói, cứ theo ông một cách duyên phận. Thời gian dưỡng thương, bị điếc, chẳng thể làm gì. Cụ Phạm Viết Song đến động viên, gom góp tiền mua máy trợ thính và nói “Về học vẽ đi!” Thực ra từ trước khi đi bộ đội, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam cũng đã từng học hệ trung cấp ở Nghi tàm. Khi về, đăng ký học là lên đại học luôn, khóa 15, và đến 1971 tốt nghiệp. “Thời chiến tranh, cả khóa học đi sơ tán ở nông thôn, nguyên vật liệu, họa phẩm không có, đề tài, mẫu chỉ là những gì có được ở nông thôn” Có lẽ vậy, tranh của ông đa số về đề tài nông thôn, quê hương những nơi ông từng sống. Vì không học trung cấp nên ông không học về hình họa, nên bị cụ Phạm Viết Song mắng “Mày phải 5 năm nữa mới vẽ được” nhưng những vùng quê, những lần trực họa, học trực tiếp, cùng sự chăm chỉ đã giúp ông có một phong cách riêng.

Cây rơm. Bột màu trên giấy dó

Thời chiến tranh, hoàn cảnh và sự khan hiếm họa phẩm, đã buộc ông phải tìm tòi, khám phá ra nhiều cách thực hiện tác phẩm. Từ bột màu, giặt tranh và cùng sự động viên của người vợ, họa sĩ Tạ Phương Thảo, chất liệu bột màu được ông tiếp tục sử dụng trong các tác phẩm. Được khẳng định hơn khi triển lãm đầu đời tranh bột màu được chú ý bởi nhiều họa sĩ tên tuổi, và bán được hầu hết từ triển lãm năm 1987. Vừa mang lại kinh tế, vừa là sự ghi nhận, chấp nhận cũng như động viên rất lớn khi tranh bột màu chưa được nhìn nhận như một tác phẩm nghệ thuật.

Xóm quê. Bột màu trên giấy dó

Các chất liệu khác như sơn mài, lụa, sơn dầu, giấy dó, ông đều đã sử dụng, cũng với cùng các đề tài và phong cách vẫn là những gam sắc màu rực rỡ, tươi trẻ, những phong cảnh nông thôn, những đồng quê, vườn nhà, ngã ba, cây rơm thân thuộc, nhưng có lẽ, thành công với tên tuổi của ông là với tranh bột màu, cắt giấy, xé giấy. Cùng với sự chăm chỉ, tìm tòi, những trải nghiệm sống, những cảm xúc chân thật đã giúp ông luôn có một hướng đi mới, không bắt chước ai. Ông kể, cô con gái lấy chồng xa, mời ông bà đi chơi các nước tận châu Phi. Chuyến đi ông quan sát các mặt nạ của các dân tộc bên đó, cách thể hiện tính cách nhân vật theo một lối riêng. Về nước, ông thực hiện vẽ chân dung các nghệ sĩ, bạn bè thân quen theo lối trên. Với hàng trăm tranh chân dung, mỗi nhân vật được đặc tả tính cách, nghề nghiệp của họ trên từng mảng màu, nét vẽ. Lần này ông cũng tạo thành một xu hướng mà nhiều người thực hiện theo, tới giờ vẫn có người tiếp tục vẽ. “Họa sĩ vẽ chân dung các họa sĩ.

Cây rơm. Bột màu trên giấy dó

Năm 2019, một cuộc triển lãm mới, “Điêu khắc giấy” cũng đã mang đến sự mới lạ tới công chúng. Ông nói “Cuộc đời tôi có lẽ ảnh hưởng từ Henri Matisse.” Cũng từng bạo bệnh nằm viện thời gian dài, không vận động được nên dùng kéo và giấy màu để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc giấy. Một bậc thầy về màu sắc cũng như tiên phong trường phái dã thú. Khi chuẩn bị cho triển lãm “Điêu khắc giấy và cuộc chơi màu sắc”, tôi ngạc nhiên thấy các tác phẩm vẽ nude, tình yêu đôi lứa khá mạnh mẽ, ông chia sẻ: “Tôi đã trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh, từ chiến trường đến thời bình, đến tuổi này tự cho phép thoải mái hơn trong sáng tác”. Đề tài có khác, nhưng các tác phẩm của ông vẫn giữ nguyên đặc điểm riêng mình là màu sắc mạnh mẽ, màu sắc hội họa ước lệ cho màu sắc tự nhiên nhưng vẫn mang đến cho người ngắm cảm xúc vẹn nguyên tình cảm của tác giả gửi gắm vào tranh. Nội dung nhiều về nude, tình yêu đôi lứa. nên thơ, trẻ trung trong các tác phẩm thật khó tin từ người họa sĩ tuổi xưa nay hiếm như ông.

Phong cảnh sinh hoạt. Bột màu trên giấy dó

Nằm trong kế hoạch đã đặt ra, ông chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh “Bột màu trên giấy dó” từ nhiều năm nay. Với hơn 70 tác phẩm được lựa chọn từ hàng trăm tác phẩm đã được thực hiện trong hơn 5 năm qua. Sự quen thuộc của phong cách, đề tài, màu sắc nhưng trên một chất liệu khác sẽ đem đến cho người xem một hiệu ứng khác lạ… Ông kể: “Bột màu là nguyên liệu sử dụng làm phác thảo, như ký họa, dễ sử dụng và rẻ, it người dùng nó làm tác phẩm.” Ở Việt nam có họa sĩ Văn Giáo và nhiều họa sĩ thời đó đã dùng bột màu làm tác phẩm hội họa và nay bột màu đã được đưa vào danh sách các họa phẩm cũng như được sản xuất công nghiệp, thuận tiện hơn trong sử dụng. Không chỉ sử dụng bột màu trên giấy, bìa, vải, nay ông thử nghiệp bột màu trên giấy dó. “Với chất liệu giấy dó, khả năng chịu tải, bám màu nhưng cũng thách thức bởi sự thẩm thấu, loang của nó, thế nhưng làm chủ được chất liệu, nội dung, tác phẩm cho ra những hiệu ứng mới.” Ông kể về chất liệu của lần triển lãm này.

Các tranh bột màu trên giấy dó được chuẩn bị từ nhiều năm

Từng tác phẩm bột màu trên giấy dó lần lượt ra đời, song song với thời gian mấy năm nay ông vẫn vẽ các tác phẩm khác, như cắt giấy, xé giấy, vẽ chân dung trên lụa. Nhũng mảng màu đỏ, xanh, vàng, những ước lệ không gian hội họa hóa thành các tác phẩm chuẩn mực mà lại gần gũi với người xem. Từng tác phẩm đưa ta về miền ký ức, như được họa sĩ dẫn đi thăm quê hương, từng ngõ xóm, cây đa, giàn mướp, nếp nhà, cổng làng hòa quyện, lấp lánh nắng vàng sống động.

Họa sĩ Phạm Việt Hồng Lam chia sẻ câu chuyện hội họa

Xem các tác phẩm họa sĩ lao động suốt thời gian qua, nếu không biết trước về họa sĩ, có lẽ khán giả sẽ hình dung một người trẻ tuổi, yêu đời, yêu quê hương, yêu phong cảnh nông thôn một cách kỳ lạ và sâu sắc. Từng tác phẩm tràn đầy sức sống của tuổi thanh xuân. Ông vẽ như đang tuổi thanh niên, vẽ những ký ức trải qua ngày còn trẻ vô tư, mạnh mẽ bao trùm lên những biến cố, tuổi tác, những khó khăn ông trải qua. Ta biết đến một họa sĩ đầy năng lượng sống, đầy ước mơ vẫn luôn còn tiếp diễn.

Tắm trăng. Bột màu trên giấy dó

 

 

Đặng Vân Phúc/Đặng Nhật Hà – ArtExchange

Tháng 01/2022


Tin liên quan