Tin Nghệ Thuật Việt Nam

TRIỂN LÃM THU VỀ

TRIẺN LÃM THU VỀ

Trừu tượng của Dũng Trống

Những ngày nắng nóng chưa qua, tiết Hạ vẫn đó, nhưng đã có thay đổi. Trời đã có những cơn mưa ào ạt dập thẳng vào nền nhiệt oi bức không thương tiếc được tích luỹ nguyên ngày nắng, cho ta cảm giác khoan khoái ngay lập tức thay vì bứt rứt khó chịu. Đúng là Thu về, tháng Tám rồi, mùa đẹp nhất trong năm của những hội tụ, mùa đưa những thành quả để chiêm ngưỡng, đưa những yêu thương về nguồn cội.

Tranh của cô Ngáo's B

Thu về, tên triển lãm của 04 hoạ sĩ với các dòng tranh khác nhau. Các tác phẩm được sáng tác mới trong thời gian gần đây, sự hứng khởi của trở lại “Bình thường cũ” thay vì “Bình thường mới” của giai đoạn covid đã qua được thể hiện trong các tác phẩm khá rõ ràng.

 

Nhóm các hoạ sĩ: Đặng Thân, Phan Thiết, Dũng Trống và cô Ngáo's B

Như Phạm Minh Quân viết về Hội hoạ và những sự Chuyển đổi, bốn hoạ sĩ của triển lãm này thực sự là có những sự chuyển đổi. Chuyển đổi từ cuộc đời để thành hoạ sĩ, chuyển đổi từ nghề nghiệp và cuộc sống sang hội hoạ, chuyển đổi cách nhìn, cách thể hiện cuộc sống qua nét cọ, màu sắc. Những tác phẩm hội hoạ đại diện cho sự chuyển đổi.

Tranh chân dung của hoạ sĩ Ngáo's B

Thượng đế sinh ra cho chúng ta có ngũ quan, mỗi người tồn tại bình thường có ngũ quan để tương tác và cảm thụ sản phẩm của cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi người với năng lực và trải nghiệm của mình lại tạo ra sản phẩm cho cuộc sống một cách khác nhau. Có người có sản phẩm về âm thanh, họ sử dụng âm nhạc để tạo ra sản phẩm, phản ánh cuộc sống từ kể chuyện quá khứ, đưa ra thực tại hay mong ước tương lai. Những tác phẩm âm nhạc đưa cho khán giả không chỉ âm thanh mà cả không gian cuộc sống trong đó. Người thì dùng ngòi bút, sản phẩm của họ là tác phẩm văn học, những nội dung đủ thể loại từ thơ, văn, phê, đến cả chửi cũng thông qua ngòi bút để gửi đến khán giả những mô tả cuộc sống của mình. Người có thể sử dụng vị giác, các tác phẩm của họ từ đồ uống, rượu, cốc tai hay các món ăn. Chúng đưa khán giả về quá khứ nhưng trải nghiệm tuổi thơ như món ăn ngoài đồng hay bát canh mẹ nấu. Đưa tới sự thi vị của đêm hẹn hò trong  bữa ăn cùng ngọn nến. Và bằng nhiều hình thức, các hoạ sĩ sử dụng thị giác, họ đã đưa người xem cảm nhận cuộc sống với đủ ngũ quan thông qua màu sắc, hình ảnh, hình khối của các nét cọ.

Tranh của hoạ sĩ Đặng Thân

Cả bốn hoạ sĩ, Đặng Thân, một nhà “Thâm nho” triết gia, là dịch giả, thầy giáo, nhà văn, nhà thơ. Từng thể hiện sản phẩm cuộc sống với nhiều hình thức khác và nay là hội hoạ. Nội dung các tác phẩm của hoạ sĩ như những tác phẩm triết học thâm thuý, người xem không chỉ nhìn thấy cái bề mặt, mà còn thấy sâu xa bên trong, triết lý cuộc đời cũng như nét châm ngôn sống được thể hiện trong từng hình khối, các nét cọ rất dụng ý châm ngôn. Phan Thiết, nhà phê bình, hoạ sĩ, cũng từng trải cuộc sống. Triết lý sâu xa nhưng rất thuần tục con người. Mọi điều cao siêu vũ trụ xa xôi cũng quy về vũ trụ bản thể. Bằng những gam màu nhẹ nhàng, những mô tip bản năng loài, nhưng chứa đựng sâu sắc từng trải muôn thủa. Đến hoạ sĩ Ngáo’B, sản phẩm là những chân dung của những nhân vật đặc biệt, những bạn bè trong cuộc sống. Cũng với gam màu nhẹ nhàng, những nét cọ đơn giản, không chỉ phác họa chân dung của nhân vật, Ngao’s B thông qua tác phẩm, thông qua nhân vật, gửi đến những cái nhìn của cuộc sống, những gương mặt đại diện kể chuyện cuộc sống phía sau. Dù vậy, dù đơn giản nhưng tác phẩm vẫn cho khán giả nhận ra nét nữ tính của tác giả, màu sắc tím, hồng với đường cọ mềm mại tươi vui.

Tranh hoạ sĩ Phan Thiết

Đến Dũng Trống, có lẽ là hoạ sĩ trẻ nhất, mới khoảng 5 năm gần đây thực sự sáng tác. Chuyên môn của một Kiến trúc sư, nhà quy hoạch, trải nghiệm sống cả cuộc đời đi làm. Va chạm, vui chơi, từng thể hiện tác phẩm theo nhiều cách cũng từng viết, chơi nhạc, và đương nhiên, các sản phẩm về kiến trúc nữa, nhưng từ khi rời các vị trí xã hội, màu sắc và cây cọ trở thành công cụ đưa lên toan những tác phẩm hội hoạ. Dũng Trống vẽ cho khán giả thấy như đang chơi, nhưng hoạ sĩ thực sự đang kể chuyện, câu chuyện cuộc đời. Những mảng màu, nhưng hình khối, những nét màu bâng quơ, tưởng như ngẫu hứng, đó lại là có chủ đích, dẫn dắt khán giả tới những câu chuyện thời gian, không gian cuộc sống mà ai cũng có thể chiêm nghiệm. Đã tự định hình phong cách và thể hiện khá nhiều loại hình từ Phong cảnh, Chân dung, Ấn tượng và Trừu tượng, Dũng Trống sử dụng màu khá mạnh áp đặt người xem, đưa họ về nội dung muốn kể. Đem đến triển lãm Thu về là một số trong các sáng tác “Hậu covid” hoàn toàn mới với nội dung  cũng khác hơn trước, nhuần nhuyễn hơn và có chủ đích.

Một góc triển lãm

Tưởng chừng sự rời rạc trong các tác phẩm của bốn tác giả đến một triển lãm, nhưng Thu về, đúng nghĩa của mùa Thu. Mùa lá rụng hội tụ, mua nhớ nhung về cội nguồn, đã hội tụ những riêng rẽ vào làm một, triển lãm Thu về đưa đến cho khán giả một cơn mưa rào mát mẻ trong sự nóng nực sục sôi rất nhiều triển lãm đang diễn ra, những câu chuyện của cuộc sống với những cách kể khác nhau bằng ngôn ngữ hội hoạ.

Triển lãm được thực hiện tại Gallery Art Exchange 39 Linh Lang trân trọng kính mời Quý Khách tới dự buổi ra mắt Tác Phẩm Mới

Thời gian : 17h thứ sáu ngày 05/8/2022

Và dự Toạ Đàm "Dũng Trống Dụng Không"

 

Thời gian : 18h30 thứ bảy ngày 06/8/2022

Rất hân hạnh được đón tiếp Quý Khách

 

Đặng Vân Phúc


TGĐ Art Exchange


Tin liên quan